Đoàn Hồng Việt - CEO của Digiworld: Kinh doanh có trách nhiệm
Với những ai từng gặp gỡ, tiếp xúc thì ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thế giới Số (Digiworld - DGW) là con người nói ít làm nhiều, đáng tin cậy. Hai thập niên qua, dù kinh doanh trong lĩnh vực phân phối có nhiều biến động, ông Việt vẫn kiên định một con đường. Đó là kinh doanh song hành với trách nhiệm: cho Công ty, cho đối tác và xã hội.
Giải thưởng Doanh nhân châu Á - Thái Bình Dương (APEA), trao cho ông Đoàn Hồng Việt đúng vào thời điểm Digiworld kỷ niệm 20 năm thành lập, như một món quà quý dành cho ông. NCĐT đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Hồng Việt về niềm vui sau giải thưởng này.
* Lần đầu tiên, Giải thưởng Doanh nhân châu Á - Thái Bình Dương (APEA) được tổ chức tại Việt Nam. Ông là 1 trong 14 doanh nhân Việt Nam đã vượt qua 50 ứng viên để được vinh danh lần này. Điều ấy có bất ngờ với ông?
Được ghi nhận ở một giải thưởng lớn tầm cỡ khu vực là một điều tự hào với bất kỳ doanh nhân nào. Với cá nhân tôi, điều đó càng có ý nghĩa hơn nữa khi giải thưởng được trao vào dịp Digiworld tròn 20 năm, đây cũng được coi như một món quà ý nghĩa tôi gửi tặng các đồng nghiệp đã cùng tôi đồng cam cộng khổ gây dựng Digiworld suốt 20 năm qua.
* Được biết, APEA xét chọn khá gắt gao, trong đó ưu tiên kinh doanh có trách nhiệm và phục vụ cộng đồng. Digiworld đã kiên trì thực hiện 2 tiêu chí này như thế nào?
Digiworld trong 20 năm qua luôn kiên định với sứ mệnh “Nâng tầm Việt Nam”, việc phát triển kinh doanh song hành cùng trách nhiệm xã hội. Ở Digiworld, kinh doanh có trách nhiệm không chỉ thể hiện qua việc chúng tôi lựa chọn kinh doanh những ngành hàng không gây tổn hại đến sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Mà chúng tôi còn để ý đến từng ứng xử, từng hành động của công ty với đối tác, khách hàng, cổ đông và với chính “người trong nhà” là nhân viên của Digiworld.
Với đối tác, chúng tôi luôn cam kết cùng nhau phát triển và giữ trọn niềm tin suốt 2 thập niên qua. Với nhân viên, chúng tôi tạo ra một sân chơi công bằng để mọi ước mơ lớn có thể trở thành hiện thực. Để thực hiện được chủ định này, chúng tôi xây dựng chế độ tưởng thưởng xứng đáng và tổ chức các chương trình đào tạo, tương tác nội bộ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển tinh thần làm việc tập thể để mỗi một cá nhân đều phát huy được tối đa năng lực, khả năng riêng. Ở Digiworld, các bạn sẽ luôn thấy mình đang ở giai đoạn startup thực hiện những đam mê, hoài bão, có rất nhiều vị trí quản lý đi lên từ thực tập sinh, các bạn dám nhận thử thách, chúng tôi sẽ trao cơ hội.
* Quan điểm của ông về kinh doanh có trách nhiệm? Có lúc nào ông thấy thiệt thòi khi theo đuổi mục tiêu này?
Kinh doanh có trách nhiệm giống như trồng cây. Nếu nghĩ ngắn thì bạn bón thuốc tăng trưởng cho nhanh ra trái, trái chưa chín thì ủ thuốc cho thật đẹp thật vàng. Nhưng cây sẽ không khỏe và sớm chết yểu, ngay cả quả bạn thu hoạch được cũng gây hại cho sức khỏe cho những người ăn nó. Một người kinh doanh có trách nhiệm sẽ lưu tâm ngay từ khi tìm kiếm và cải tạo khu đất thật tốt rồi mới gieo hạt, không ép cây lớn nhanh và thúc trái chín vội. Tầm nhìn của họ là trồng hàng triệu cây chứ không phải chỉ một cây. Muốn thực thi tầm nhìn đó thì việc trồng cây và thu hoạch quả không được gây tổn hại cho chính những người tiêu thụ và môi trường xung quanh.
* Ở nước ngoài, doanh nghiệp thường rất ý thức vấn đề chia sẻ. Họ lập ra những quỹ, những tổ chức hoạt động phi lợi nhuận cho mục đích hỗ trợ cộng đồng. Ở Digiworld khi nào có thể hướng tới mô hình như thế?
Không phải là tương lai chúng tôi mới hướng đến mô hình đó mà ý thức chia sẻ với cộng đồng đã và đang được chúng tôi xây dựng và phát huy suốt 20 năm qua. Ở công ty, chúng tôi tạo công ăn việc làm hợp pháp, tuân thủ và nộp thuế đầy đủ để phát triển đất nước. Nhiều người trong đội ngũ điều hành của Công ty đã làm người hướng dẫn cho nhiều chủ doanh nghiệp kể từ ngày startup đến khi công ty hoạt động cả chục năm, chúng tôi ý thức trong việc cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để phát triển cộng đồng doanh nhân vững mạnh. Hằng năm, chúng tôi đều có ngân sách để thực hiện các chương trình hỗ trợ cộng đồng như xây cầu nông thôn, trao máy tính cho thủ khoa đại học, nấu cơm cho người nghèo... phát huy tinh thần “cùng sẻ chia, cùng hạnh phúc”.
* Mong muốn của Digiworld, về kinh doanh, về chia sẻ trong 3-5 năm tới là gì, thưa ông?
Ngày 14.12.2017, Digiworld kỷ niệm sinh nhật 20 năm thành lập nhưng đối với chúng tôi đây mới là thời điểm khởi tạo hành trình mới. 5 năm sau, chúng tôi kỳ vọng Digiworld là công ty phát triển thị trường hàng đầu trong ngành hàng chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng nhanh... như đã thành công với ngành công nghệ.
* Để trở thành doanh nhân được tôn vinh, APEA đã xét chọn nhiều tiêu chí. Còn cá nhân ông tâm đắc ở điểm nào?
Điều khiến tôi tâm đắc nhất ở APEA chính là giải thưởng đã đề ra những tiêu chí đẩy mạnh đường lối kinh doanh tiến bộ là hướng đến phát triển bền vững, đề cao giá trị con người, trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân với cộng đồng và xã hội, cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
* Thương trường như chiến trường. Câu nói ấy với ông có đúng không?
Thương trường như chiến trường nhưng cũng không hẳn là chiến trường. Thương trường không chỉ có “cạnh tranh” và “chiến đấu”. Thương trường còn có cả “khai phá” và “xây dựng”, tức là tìm kiếm và phát triển những thị trường mới với những sản phẩm khác biệt, tạo ra nhu cầu mới cho thị trường. Không nên đặt nặng thắng thua mà phải bất chấp tất cả để tiến về phía trước như chiến trường. Thương trường cần người kinh doanh suy nghĩ và hành động độc đáo hơn, sáng tạo hơn, trách nhiệm hơn để không bị lỗi thời mà luôn bền bỉ tiến xa hơn khỏi vùng an toàn hiện tại. Khi đó chúng ta mới tiếp tục phát triển được