Đoàn doanh nghiệp thực phẩm châu Âu đến tìm hiểu tại Việt Nam
Trong tháng 11.2016, Cao ủy Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngài Phil Hogan dẫn đầu một đoàn thương mại cấp cao gồm các doanh nghiệp nông sản-thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU). Ngài Cao ủy Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm quản lý Chính sách Nông nghiệp chung của Liên minh châu Âu, một chính sách dành cho 500 triệu công dân của 28 nước thành viên EU. Nhiệm vụ của Ngài Cao ủy đó là thúc đẩy mối liên kết giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực thương mại nông sản-thực phẩm, dựa trên nền tảng của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam vừa mới hoàn tất quá trình đàm phán.
Trong thời gian của chuyến công tác, Ngài Cao ủy Hogan sẽ gặp gỡ một số lãnh đạo các Bộ ngành Việt Nam, trong đó có cả cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và phát biểu tại phiên khai mạc một hội thảo về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam diễn ra vào ngày 3 tháng 11 tại Hà Nội cũng như tại một diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức vào ngày 4 tháng 11 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngài Cao ủy Hogan nói: “Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam vừa mới hoàn thành đàm phán này đem lại những cơ hội to lớn cho cả các nhà sản xuất Việt Nam và châu Âu trong việc tìm kiếm những thị trường đang tăng trưởng dành cho nông sản chất lượng cao của cả hai bên. Người tiêu dùng tin tưởng các sản phẩm của chúng tôi và đánh giá cao chất lượng của những sản phẩm này. Điều đó lý giải vì sao các sản phẩm xuất khẩu đi toàn cầu của chúng tôi luôn có sự tăng trưởng hàng năm. Các mặt hàng nông sản-thực phẩm xuất khẩu này đã đạt tới kim ngạch 129 tỉ euro trong năm 2015, giúp đưa chúng tôi trở thành nhà xuất khẩu nông sản-thực phẩm số 1 trên thế giới. Kết quả trao đổi thương mại này tiếp tục là một câu chuyện thành công thực thụ giúp khích lệ sự phát triển của lĩnh vực nông sản-thực phẩm”.
Ngài Cao ủy cũng cho biết thêm: “Chúng tôi rất tự tin rằng người tiêu dùng Việt Nam sẽ có ấn tượng tích cực với chất lượng và sự phong phú trong các sản phẩm của chúng tôi. EU duy trì những tiêu chuẩn chất lượng cao nhất về thực phẩm trên thế giới trong đó bao gồm sản phẩm thịt và sữa chất lượng cao, rau quả chất lượng tuyệt hảo của chúng tôi, cũng như có một hệ thống đẳng cấp thế giới dành cho các sản phẩm được công nhận về chỉ dẫn địa lý. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng các sản phẩm này có thể góp phần tăng cường hoạt động thương mại ngay tại Việt Nam, giúp gia tăng tốc độ tăng trưởng và tạo việc làm cho người dân Việt Nam”.
Một điều rất đáng mừng đó là không chỉ người Việt Nam đang ngày một quan tâm hơn tới nông sản-thực phẩm châu Âu mà số lượng người tiêu dùng châu Âu hứng thú với những đặc sản của Việt Nam cũng đang gia tăng. Sự tăng trưởng ấn tượng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường EU trong những năm gần đây (thể hiện qua con số gần 20 tỉ euro thặng dư thương mại nghiêng về phía Việt Nam trong năm 2015 mà chủ yếu là nhờ vào lĩnh vực nông sản-thực phẩm) đã biểu hiện một cách chính xác nhất tiềm năng hết sức to lớn này. Tiềm năng này sẽ được tận dụng một cách tối ưu nhất thông qua việc thực thi FTA song phương cũng như quá trình dỡ bỏ thuế quan bắt đầu từ đầu năm 2018.
Năm 2015, kim ngạch thương mại Việt Nam–EU đạt trên 38,4 tỉ Euro, trong đó giá trị nhập khẩu vào EU đạt 29,9 tỉ Euro, giá trị xuất khẩu sang Việt Nam đạt 8,4 tỉ Euro. Cũng trong năm 2015, Việt Nam đứng thứ 21 trong danh sách các đối tác thương mại của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ xếp sau Trung Quốc. EU với 28 quốc gia cũng là thị trường ngoài nước lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của châu Âu trong khối ASEAN, xếp sau Singapore và trên Malaysia.