Thanh Tùng Thứ Ba | 30/01/2018 08:30

Đổ xô vào vay tiêu dùng

Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã đạt 646.000 tỉ đồng (khoảng 28 tỉ USD) trong năm 2016, tương đương 10% GDP.

 Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2017. Theo đó, ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế 8.100 tỉ đồng. Mảng cho vay tiêu dùng, FE Credit, tiếp tục đóng góp tới 50% lợi nhuận. Trong năm 2017 vừa qua, với hạn mức tăng trưởng tín dụng được phép là 40%, thì FE Credit đạt mốc 39%.

Công ty mạnh tay cho vay
Trong vài năm vừa qua, FE Credit luôn là “con gà đẻ trứng vàng” của VPBank khi thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây. Mới đây, FE Credit còn ký kết hợp đồng vay trị giá 50 triệu USD với Lion Asia I (RB) Limited (Lion Asia). Hợp tác này tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho FE Credit để doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu tài chính của hàng triệu người dân Việt Nam. 

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho biết, dự kiến trong 10 năm tới tín dụng tiêu dùng vẫn phát triển mạnh mặc dù “VPBank không xác định tỉ lệ đóng góp của FE Credit là mãi mãi, mà mảng quan trọng là ngân hàng bán lẻ”.
Tăng trưởng của FE Credit song hành với xu hướng vay tiêu dùng đang bùng nổ tại Việt Nam. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa công bố, tín dụng của toàn bộ nền kinh tế năm 2017 tăng trưởng khoảng 17%, trong đó tín dụng tiêu dùng tăng đột biến tới 65% so với năm 2016.

Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Infocus, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã đạt 646.000 tỉ đồng (khoảng 28 tỉ USD) trong năm 2016, tương đương 10% GDP và dự báo sẽ tiến tới mốc 1 triệu tỉ đồng vào năm 2019 với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm.

Do xo vao vay tieu dung
 

Theo số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nguồn vốn tín dụng cho vay tiêu dùng chủ yếu đến từ hệ thống ngân hàng, đạt 23,27 tỉ USD, tương đương 87,6%, trong năm 2016. Hiện nay, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như VPBank, Techcombank, HDBank... đều định hướng chiến lược phát triển mảng bán lẻ và đều sở hữu các công ty tài chính riêng. VDSC cũng nhấn mạnh sự tham gia của các công ty tài chính nở rộ trong thời gian qua và cung cấp 12,4% tổng vốn vay tiêu dùng.

Thị phần cho vay tiêu dùng ở Việt Nam bao gồm: FE Credit chiếm 48,4%, Home Credit 15,7%, HD Saison 12,3% và Prudential Finance 8,1%. Các công ty này đều có tăng trưởng tín dụng 2 con số mỗi năm, theo báo cáo của Momentum Work, một công ty chuyên cung cấp dữ liệu và tư vấn cho các công ty trên thế giới. Thị phần của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tăng mạnh từ 39% lên 45,7%, các ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính lại giảm nhẹ tỉ trọng (từ mức 47% năm 2016 xuống còn 42% năm 2017).

Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định tỉ lệ thu nhập lãi thuần của lĩnh vực cho vay tiêu dùng lên tới 20% là nguyên nhân các công ty đổ xô cho vay tiêu dùng. Trong năm 2016, FE Credit cho vay hơn 32.000 tỉ đồng, chiếm hơn 20% dư nợ của ngân hàng nhưng lợi nhuận đem về lại chiếm gần 50% lợi nhuận hợp nhất (gần 4.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế).

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng VPBank sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn các ngân hàng khác trong những năm tới. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng nhận định, rủi ro tài chính tiêu dùng sẽ đạt đỉnh trong 1-2 năm tới.

Người dân mạnh tay đi vay
Xét về phía cầu, với quy mô dân số gần 95 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.500USD là một thị trường tiêu dùng rất lớn với tổng giá trị chiếm gần 70% GDP thì thị trường cho vay tiêu dùng là một mảnh đất rất màu mỡ cho các nhà cung cấp dịch vụ này tiếp tục khai phá. Với dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng là rất cao. Theo thống kê của World Bank, chi tiêu tiêu dùng trên GDP của Việt Nam vào năm 2016 là 64,4%, vượt qua mức trung bình 8 năm qua là 63%.

VDSC cho biết tăng trưởng tín dụng tiêu dùng Việt Nam tăng đột biến, gần 60% trong năm 2017 và dự đoán trong 3 năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực này lên tới 29-30%/năm. Tính tới năm 2016, tỉ lệ tiết kiệm của Việt Nam chỉ đạt 29% GDP, khá thấp trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực.

VDSC nhận định rằng diễn biến trên là xu hướng tất yếu nhằm khai thác nguồn lực nội tại của quốc gia. VDSC dẫn bài học từ quốc gia láng giềng Trung Quốc. Trong bối cảnh dư nợ và nợ xấu của nước này tập trung phần lớn tại khối doanh nghiệp nhà nước, một phần dòng vốn tín dụng đã được điều tiết sang khu vực hộ gia đình. Tính tới hiện tại, tỉ trọng nợ khu vực gia đình/GDP của Trung Quốc năm 2017 đã gấp hơn 2,4 lần so với 10 năm trước đó.

Dù nhận định tín dụng tiêu dùng sẽ tác động tích cực vào tăng trưởng kinh tế trong 1-2 năm tới, VDSC thể hiện quan điểm lo ngại về rủi ro cho vay tiêu dùng ở Việt Nam. Theo công ty chứng khoán này, rủi ro đầu tiên và đáng quan ngại nhất chính là khả năng người dân vay mượn vượt qua khả năng chi trả của bản thân. Dựa trên những phân tích về xu hướng hành vi tiêu dùng, VDSC nhận thấy tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai và họ sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu ở thời điểm hiện tại. Điều này làm gia tăng quan ngại về khả năng trả nợ của người dân.

Theo VDSC, ngày càng nhiều lo ngại liên quan đến rủi ro tín dụng của Việt Nam sau nhiều thập niên khai thác triệt để công cụ tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tính tới hiện tại, tổng quy mô tín dụng khu vực phi tài chính ước tính khoảng gần 290 tỉ USD, tương đương 133,8% GDP danh nghĩa của Việt Nam.Con số này tương đương với mức trung bình của các nước mới nổi và cao hơn cả quốc gia đang gặp khủng hoảng Hy Lạp (122,3% GDP).

Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng nhanh cũng đi kèm với rủi ro nợ xấu tăng lên. Trong báo cáo về VPBank, HSC đã dự báo chi phí dự phòng của FE Credit tăng 20,82% lên 7.085 tỉ đồng với tỉ lệ nợ xấu 5% (12,1% cho nợ nhóm 2 và 12% để xóa nợ).

VDSC cho biết những rủi ro tiềm ẩn từ cho vay tiêu dùng là không thể bỏ qua khi hơn 50% dòng vốn tín dụng tiêu dùng chảy vào khu vực có tính đầu cơ cao. Điều này góp phần tạo nên sai lệch trong cách tính toán và số liệu công bố về dòng vốn tín dụng bất động sản. Theo VDSC, diễn biến này cũng mang tới rủi ro khi các tài sản trên được mang đi thế chấp và các ngân hàng đánh giá quá cao mức độ tín nhiệm của người đi vay.