Các doanh nghiệp như Masan Group đang đẩy mạnh huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Ảnh: Lê Toàn
Đổ xô vào qũy đầu tư trái phiếu
Lãi suất từ gửi tiết kiệm đang tăng lên, đạt mức cao nhất 8-8,5%/năm ở nhiều ngân hàng như Bản Việt, VIB, VPB... Với những người yêu thích an toàn và ổn định, đây là kênh đầu tư thường được lựa chọn. Tuy nhiên, trong năm 2019, giới chuyên gia dự báo có một kênh đầu tư khác, có thể cạnh tranh với kênh gửi tiết kiệm. Đó là đầu tư vào quỹ đầu tư trái phiếu.
Hiện nay, nhiều ngân hàng, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán đều đã lập các quỹ đầu tư trái phiếu như TCBF của Techcombank, VFMVFB của VietFund, BVBF của Bảo Việt, SSIBF của SSI, MBBF của MB, VTBF của VietinBank. Danh mục đầu tư của các quỹ trái phiếu chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp. Chẳng hạn, 91% tài sản ở TCBF là trái phiếu doanh nghiệp, còn ở SSIBF tối thiểu trên 80%.
Sở dĩ các quỹ đầu tư hào hứng với trái phiếu doanh nghiệp vì đây là hình thức huy động vốn đang bùng nổ ở Việt Nam. Các chính sách đều đang được điều chỉnh theo hướng thúc đẩy kênh này phát triển.
Chẳng hạn, Nghị định 163 có hiệu lực từ 1/2/2019 đã mở ra hành lang pháp lý thuận lợi (như không bắt buộc doanh nghiệp phát hành phải kinh doanh năm liền trước có lãi, có thể phát hành nhiều đợt), rõ ràng (bắt buộc lưu ký trái phiếu trong vòng 10 ngày) và minh bạch (công bố thông tin theo mẫu, công bố thông tin định kỳ, công bố thông tin bất thường trong 24h)... Hay yêu cầu về tăng vốn điều lệ theo chuẩn Basel II buộc các ngân hàng phải tìm thêm nguồn dài hạn từ phát hành trái phiếu.
Vì thế, các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VIB, MB... và các doanh nghiệp như Novaland, Vingroup, Masan Group... đều đang đẩy mạnh huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Trái tức cố định đều cao hơn lãi gửi tiết kiệm (trung bình ở mức 8-10%/năm) và thời hạn phát hành cũng ngắn hơn (xuống còn 2 năm, 5 năm). Mới đây, Camimex còn dự tính phát hành trái phiếu kỳ hạn 1 năm, với lãi suất 12%/năm.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn đưa ra phương thức phát hành tạo thuận tiện cho nhà đầu tư. Chẳng hạn, người mua trái phiếu của Vingroup có thể bán ra bất cứ lúc nào. Hay khách hàng sẽ được nhận lãi suất thực, chứ không như hình thức gửi tiết kiệm chỉ được lãi suất không kỳ hạn nếu rút trước hạn.
Đặc biệt, theo ghi nhận của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kênh đầu tư trái phiếu đã không còn là cuộc chơi của các tổ chức chuyên nghiệp mà nhà đầu tư cá nhân đều có thể tham gia thông qua các quỹ trái phiếu. Ví dụ, chỉ cần 1 triệu đồng, người dân đã có thể tham gia mua trái phiếu của TCBF. TCBF còn tung ra các sản phẩm đa dạng như Trái tức sinh lời, FlexiCash (Quỹ đầu tư trái phiếu linh hoạt...).
Chính những ưu điểm này, các quỹ đầu tư trái phiếu đã có một năm 2018 thắng lợi. Theo số liệu nghiên cứu của VDSC, lợi suất của TCBF khoảng 8,5%/năm, VFMVFB là 10,6%, BVBF 9,9%, SSIBF 8,1%. Lợi suất của các quỹ trái phiếu đã vượt xa các quỹ đầu tư cổ phiếu và cao hơn đáng kể so với gửi tiết kiệm ngân hàng.
Quỹ đầu tư trái phiếu đang ngày càng trở nên hấp dẫn. Bằng chứng là TCBF đã thu hút hơn 15.000 khách hàng và giá trị tài sản ròng (NAV) đã tăng 185%, đạt hơn 5.700 tỉ đồng vào cuối năm 2018, trở thành quỹ đầu tư nội địa lớn nhất Việt Nam. Có những tháng, như chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS), quỹ này thu hút 700 tỉ đồng, với lượng khách đăng ký mới liên tục tăng. TCBF kỳ vọng Quỹ sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư để nâng tổng tài sản lên 1 tỉ USD.
2019 được dự báo tiếp tục là năm sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Masan Group, Vingroup, Sun Group đều có kế hoạch tiếp tục phát hành các loại trái phiếu trung hạn lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Xa hơn, ông Nguyễn Xuân Minh đánh giá, tiềm năng thị trường vẫn rất lớn vì so sánh với khu vực, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn rất khiêm tốn. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đạt gần 1,45% GDP, trong khi con số này ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore lần lượt đạt 20,80%, 2,87%, 33,77%, và 46,34% GDP mỗi nước.
Các quỹ VCBF, TCBF... đều dự tính phát triển thêm các sản phẩm, loại hình quỹ đầu tư trái phiếu trong năm nay. Về phía nhà đầu tư, để tham gia kênh này cần lưu ý đến yếu tố đội ngũ của các công ty quản lý quỹ và chiến lược hoạt động của các quỹ. Bởi cùng là quỹ trái phiếu nhưng VFF của VinaWealth chỉ đạt lợi suất năm qua hơn 6%.
Đầu tư vào quỹ trái phiếu cũng không phải không có rủi ro. Bởi nếu quỹ đầu tư rót vốn vào các trái phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ hay thậm chí có nguy cơ phá sản, khoản đầu tư sẽ gặp rủi ro. Đây là lý do khi đầu tư vào trái phiếu, các chuyên gia thường khuyên nhà đầu tư phải quan tâm đến hệ số tín nhiệm của các đơn vị phát hành. Nhưng vấn đề là Việt Nam chưa có hệ thống đáng giá tín nhiệm chuẩn quốc tế.