Thị trường suy giảm sức mua được phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ điện máy, điện tử hàng công nghệ. Ảnh: Quý Hòa
Dò đáy thị trường điện máy
“Yếu tố lạm phát khiến các khoản chi thiết yếu của người tiêu dùng tăng lên có thể cản đà tăng trưởng của ngành bán lẻ, đặc biệt là hàng tiêu dùng không thiết yếu”, báo cáo của Công ty Chứng khoán KBSV lưu ý ngay từ những ngày đầu năm 2023.
Từ thực tế thị trường, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, cho rằng khi thu nhập người lao động giảm thì sức mua sẽ có vấn đề và dĩ nhiên ngành bán lẻ cũng bị ảnh hưởng. “Khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, những thứ không cần thiết sẽ bị loại bỏ. Với những thứ cần thiết, họ cũng sẽ mua hàng có giá rẻ hơn. Những ngành bị ảnh hưởng nhiều là những ngành không ảnh hưởng trực diện tới đời sống hằng ngày như điện thoại, điện máy, hàng tiêu dùng...”, ông Tài cho biết.
Doanh thu đi xuống
Tình hình này được phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ điện máy, điện tử hàng công nghệ. Những tên tuổi đầu ngành như Thế Giới Di Động, Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail), Thế Giới Số (Digiworld), Petrosetco... đều ghi nhận doanh thu đi xuống trong quý IV/2022.
Cụ thể, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 4.835,1 tỉ đồng, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2021 và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 0,74 tỉ đồng, giảm 99,5%. Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong quý IV, Công ty lỗ 67,83 tỉ đồng so với mức lãi 112,56 tỉ đồng cùng kỳ năm 2021.
Thế Giới Di Động cũng ghi nhận doanh thu quý IV đạt 30.588,4 tỉ đồng, giảm 15,4%; lợi nhuận sau thuế là 619,02 tỉ đồng, giảm 60,4%. Đáng lưu ý, trong kỳ mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhẹ nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 60,4%, chủ yếu do chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Khi sức mua yếu, doanh nghiệp đã phải đại hạ giá rất nhiều sản phẩm để đẩy hàng tồn kho. Trong bối cảnh này FPT Retail cũng chứng kiến doanh thu tài chính sụt giảm gần một nửa trong khi các khoản chi phí đều tăng cao. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của FPT Retail chỉ còn 97 tỉ đồng, giảm 71% so với quý IV/2021.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tác động lan tỏa của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với ngành bán lẻ ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh của các công ty bán lẻ trong quý IV/2022. Trong nửa đầu năm 2023, nhiều loại chi phí sinh hoạt sẽ tăng, thuế giá trị gia tăng trở về mốc 10% sẽ là những yếu tố ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Theo báo cáo ngành bán lẻ do McKinsey vừa công bố, 60% người tiêu dùng Việt tìm cách tiết kiệm tối đa khi mua sắm.
Có thể thấy tình trạng này qua những đợt giới thiệu smartphone mới tại TP.HCM hay Hà Nội không còn hoành tráng như trước. Theo thông tin từ nhà bán lẻ, các sản phẩm tầm trung từ Samsung, Oppo, Xiaomi không mang đến doanh thu như kỳ vọng. Thậm chí, một vị quản lý cấp cao của thương hiệu điện thoại thuộc nhóm dẫn đầu thị trường cho biết công ty phải vật lộn để giữ giá sản phẩm, tăng doanh thu và mở rộng thị phần. “Năm nay, chúng tôi đang chịu lỗ hàng triệu USD ở Việt Nam”, vị này nói.
Nhu cầu smartphone suy giảm không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà trên toàn cầu. Theo nghiên cứu mới nhất của Canalys, doanh số bán smartphone toàn cầu giảm 18%, còn 296,9 triệu đơn vị trong quý IV/2022, đánh dấu 4 quý giảm liên tiếp.
Khó khăn kéo dài
Khi sức mua mặt hàng điện máy, điện tử giảm mạnh, nhiều công ty bán lẻ phải thay đổi chiến lược như thu hẹp hoặc tạm dừng kế hoạch mở rộng để bảo toàn nguồn lực tài chính trước chính sách kinh tế thắt chặt. Những công ty khác thì giảm biên lợi nhuận gộp để thúc đẩy doanh số bán hàng trong môi trường nhu cầu yếu.
Chẳng hạn, bên cạnh việc thu hẹp chuỗi kinh doanh, Thế Giới Di Động còn cắt giảm hàng loạt lao động. Tại thời điểm 30/9/2022, Thế Giới Di Động có 80.231 nhân viên, nhưng đến ngày 31/12/2022 chỉ còn 70.202 nhân viên, tức giảm 7.029 người so với đầu quý IV/2022.
Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp cũng cho rằng: “Khó khăn có thể tiếp tục kéo dài đến giữa năm, thậm chí là hết năm”. Dự báo, tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu sẽ vẫn ảm đạm, ít nhất cho đến nửa đầu năm 2023, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ điện máy, điện tử bán niên 2023 có thể ở mức âm.
Trong bối cảnh chi phí tăng, nhu cầu yếu, việc tiếp cận tín dụng ngân hàng khó khăn, các nhà bán lẻ trực tuyến và nhà bán lẻ quy mô nhỏ sẽ đứng trước nguy cơ mất thị phần. Dự báo thị trường bán lẻ sẽ dần nhộn nhịp trở lại vào nửa cuối năm 2023 và sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn vào năm 2024.
“Nếu tình hình thế giới vẫn bất ổn thì có thể kéo dài đến quý III, quý IV/2023. Tuy nhiên, chắc chắn một điều quý IV sẽ dễ thở hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Đức Tài nhận định.