Thứ Hai | 24/02/2014 10:42

Đồ ăn nhanh Việt Nam không nên sợ McDonald's

"Bánh mì hay một vài thức ăn nhanh khác của Việt Nam không việc gì phải sợ McDonald's", TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ với các nhà đầu tư trẻ của diễn đàn Học làm giàu cuối tuần qua về việc làn sóng đồ ăn nhanh nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam.

Ông Doanh nói: Viễn cảnh cạnh tranh với các đại gia trên thế giới ngày càng gay gắt với các doanh nghiệp Việt Nam, ngay trên chính sân nhà. Trong đó, thị trường bán lẻ các ngành thức ăn nhanh ngày càng hấp dẫn các doanh nghiệp ngoại vì dân số Việt Nam trẻ, thích mua sắm, đang kiếm được tiền. Việt Nam cũng đang tiếp tục quá trình đô thị hoá nên luồng dân cư dịch chuyển từ nông thôn ra đô thị ngày một tăng lên, kéo theo đồ dùng hàng ngày, như đồ ăn nhanh càng được ưa chuộng.

Việc các doanh nghiệp nước ngoài về đồ ăn nhanh như KFC, McDonald's… đổ bộ ngày càng nhiều, sẽ tiếp tục vào và chúng ta phải mở cửa vì ta cũng đòi nước ngoài mở để chúng ta xuất khẩu.

Nhưng không phải vì thế mà các doanh nghiệp đồ ăn nhanh của ta quá lo lắng. Đối với McDonald's, chúng ta phải bình tĩnh. Bởi vì bánh mì của ta nổi tiếng ngon trên thế giới. Ở Úc, ở Pháp họ đánh giá rất cao bánh mì Việt Nam. Nhiều tạp chí cũng bình chọn đây là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều đồ ăn nhanh rất ngon, được thế giới ưa chuộng, hoàn toàn có khả năng để cạnh tranh được, như phở chẳng hạn.

Ở Seoul có khoảng 100 hiệu phở Việt Nam. Chỉ tiếc rằng, khoảng 80% trong số đó là do các ông chủ Hàn có vợ là người Việt Nam mở lên. Nói thế để thấy, chúng ta phải bình tĩnh, phải biết nhìn ra cơ hội.

Chưa kể, McDonald's cũng có "yếu điểm". McDonald's đang bị giới y khoa nhiều nơi trên thế giới phản đối vì nguy cơ gây ra bệnh béo phì, cao huyết áp.

Bên cạnh đó, McDonald's có đối tượng riêng, phân khúc riêng. Ngay bên cạnh cơ quan tôi, ở viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có hàng phở rất ngon, nhưng cạnh đó có hàng bún thang vẫn bán được. Cho nên, điều quan trọng là phải chọn ra được sự khác biệt. Xem họ làm gì thì chúng ta làm khác đi. Lấy ví dụ như chuỗi sản phẩm của Trung Nguyên chẳng hạn, có thể họ còn ở mức độ thành công nhất định, song họ đã cố gắng đưa ra sản phẩm có nét riêng, có năng lực nhất định, làm với tính chuyên nghiệp cao.

Chúng ta từng chứng kiến hàng loạt thương hiệu của chúng ta phải bán cho nước ngoài, như nước giải khát Tribeco, như Phở 24… nhưng điều quan trọng là phải bình tĩnh, phải rút kinh nghiệm, phải liên kết nhau lại nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng có quy mô đủ mạnh để cạnh tranh.

Điều đáng tiếc là hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn cạnh tranh bằng quan hệ. Doanh nghiệp lớn thì quan hệ ở trên, với trung ương, với tỉnh. Doanh nghiệp nhỏ hơn thì ở huyện, ở xã. Trong khi đáng ra chúng ta phải cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, bằng đổi khoa học công nghệ, bằng năng lực quản trị.

Hãng AFP phân tích, là thị trường có hơn 90 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người tăng ấn tượng từ mức 402 USD/người vào năm 2000, lên mức 1.896 USD/người vào năm 2013 (theo số liệu thống kê của Bloomberg), Việt Nam đang "lọt vào tầm ngắm" của các thương hiệu Mỹ. Đó cũng chính là lý do then chốt để McDonald's lựa chọn Việt Nam sau một thời gian dài có phần không mặn mà với các dự án mới ở Đông Nam Á. Còn Bloomberg dẫn lời ông Ralf Matthaes, giám đốc điều hành khu vực Mekong của hãng nghiên cứu TNS Vietnam, phân tích: McDonald's sẽ tập trung vào các gia đình có thu nhập trung bình từ 500 - 1.000 USD mỗi tháng. Trẻ em sẽ là đối tượng khách hàng được ưu tiên số một.

Trong khi đó, theo trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, trong vòng mười năm nay, tình trạng thừa cân béo phì tại TP.HCM gia tăng đến chín lần. Vì vậy, nếu như thiếu kiểm soát, thức ăn nhanh có thể góp phần hình thành thói quen ăn uống không tốt cho giới trẻ.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị


Sự kiện