DNNN ở đâu trong công nghiệp hóa "phiên bản 3.0"?
Vị PGS này trước đó đã nhắc đến phiên bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa 2.0 giai đoạn 1986 - 2015, với ba đặc trưng cơ bản. Đó là sự mờ nhạt của định hướng thị trường; sự thiếu nhất quán trong các chính sách điều hành; và sự dựa vào các doanh nghiệp nhà nước.
Phân tích sâu thêm về khía cạnh thứ ba, PGS. Phạm Bích San bày tỏ quan điểm rằng, trong việc thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa phiên bản 2.0, đã có sự trông đợi lớn vào các doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, hàng loạt thử nghiệm về tổ chức đã được đưa ra cho các doanh nghiệp nhà nước, như giải thể, hình thành các tập đoàn, tổng công ty, cũng như cổ phần hóa...
“Nhưng vai trò cũa các tập đoàn nhà nước đã không phát huy được như những gì mà chúng ta mong đợi; tiêu tốn phần lớn nguồn lực quốc gia nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rấp thấp, cũng như không tạo ra được số công ăn việc làm tương xứng và là nguồn gốc của nạn tham nhũng”, PGS. Phạm Bích San nói.
Cũng theo quan điểm của vị PGS này, với sự chủ đạp của các doanh nghiệp nhà nước như vậy, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam ngày càng không có cơ hội cải thiện.
“Một GDP chừng tối đa tăng 5-6%, dựa chủ yếu vào khả năng đầu tư mở rộng là không đủ cho một quốc gia vượt lên thành nước công nghiệp, có dân số bước vào thời kỳ vàng và đang già hóa rất nhanh”, PGS Phạm Bích San băn khoăn.
Cho rằng, rơi vào bẫy thu nhập trung bình là “do chúng ta” và thoát bẫy cũng đương nhiên tùy thuộc vào “chính bản thân chúng ta”, tùy thuộc vào việc chúng ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào, PGS. Phạm Bích San khẳng định, trong phiên bản công nghiệp hóa 3.0, tức là từ giai đoạn năm 2016 trở đi, phải khắc phục được những điểm yếu của phiên bản 2.0.
“Dứt khoát phải tuân thủ sự điều tiết của thị trường; cải tổ thể chế để có thể tạo dựng một nền hành chính hiện đại, với trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm giải trình, và có sự giám sát của người dân. Cùng với đó, kiên quyết tiến hành cổ phần hóa và ngừng vai trò chi phối nền kinh tế quốc dân bởi các doanh nghiệp nhà nước”, PGS. Phạm Bích San bày tỏ quan điểm.
Câu hỏi được chính vị PGS này đặt ra là, làm thế nào thay đổi vai trò của các doanh nghiệp nhà nước này, khi mà vai trò của họ trong nền kinh tế quốc dân vẫn tiếp tục được khẳng định?
Cải cách thể chế kinh tế, với mấu chốt là tạo lập kinh tế thị trường với đúng thông lệ quốc tế và bản chất của nó là điều đã được nhắc đến rất nhiều.
Nguồn Báo Đầu Tư