DNNN góp ít, sử dụng nhiều
Nợ công tăng nhanh trong ba năm nay
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về con số nợ công được dự báo?
+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Năm 2013, nợ công của mình là 54% GDP, dự báo nợ công cuối năm nay sẽ rơi vào khoảng 60% GDP và cuối năm 2015, con số đó không được vượt quá 65%. Đây là mức QH đặt ra không cho phép vượt kế hoạch, nghĩa là ngưỡng nợ công không được vượt quá 65% GDP trong năm 2015. Đó được coi là chỉ tiêu mang tính pháp lệnh, giới hạn của QH trong kế hoạch 2011-2015 chứ không phải là giới hạn an toàn. Cũng giống như việc chúng ta cấm xe chạy 60 km/giờ, tuy nhiên vẫn có bác tài chạy tới 80 km/giờ. Tuy vậy vẫn có người chạy chỉ 40 km/giờ mà vẫn gây ra tai nạn. Vậy nên không phải nợ công dưới 65% là an toàn mà trên 65% là không an toàn.
Nhưng nợ công có phải đang tăng quá nhanh trong ba năm nay và sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới, thưa ông?
+ Đúng là tỉ lệ nợ công gia tăng nhanh trong ba năm gần đây, với những con số đã đưa ra trên đây. Đến cuối năm 2015, QH sẽ quyết xem giới hạn nợ công sắp tới là bao nhiêu. Nhưng Việt Nam với tình hình phát triển hiện nay nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng như bệnh viện, trường học… nên việc đầu tư vẫn tiếp tục gia tăng.
Tỉ lệ nợ công tăng cao như vậy có đáng lo ngại không, thưa ông?
+ Giống như một con tàu, nợ công an toàn hay không trong bối cảnh con tàu phải tiến lên, phải đi tiếp sẽ phụ thuộc các yếu tố như máy móc, thiết bị…, cùng với đó là các yếu tố như môi trường, thời tiết. Bởi vậy muốn an toàn phải lo sức khỏe cho con tàu, nghĩa là bên ngoài phải lo chất lượng cho nền kinh tế sao cho sự phát triển bền vững, đầu tư phải hiệu quả…
Và việc nợ công tăng nhanh hay tăng chậm phụ thuộc vào bội chi ngân sách nhà nước. Trong khi đó, bội chi ngân sách nhà nước hằng năm phụ thuộc vào tổng thu ngân sách và tổng chi ngân sách. Ví dụ năm 2014 tổng thu ngân sách là 780.000 tỉ đồng trong khi tổng chi là 1 triệu tỉ đồng. Như vậy chi đã hụt đến 220.000 tỉ đồng và số tiền này Chính phủ phải đi vay nợ bù đắp vào bội chi làm tăng nợ công.
Hiện nay, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn tiếp tục gia tăng nhưng nhóm doanh nghiệp nhà nước đóng góp ngân sách còn thấp so với mức sử dụng tài sản. Ảnh: HTD
70% nguồn thu chi cho hành chính sự nghiệp
Theo ông, trong bối cảnh này phải làm gì để hạn chế tỉ lệ tăng của nợ công?
+ Nhiệm vụ của mình là làm thu đúng thu đủ ngân sách, thậm chí thu vượt; không để thất thoát. Còn chi là tiết kiệm, chi hiệu quả. Khi chi cho đầu tư thì vấn đề ở đây là giám sát khoản đầu tư đó sao cho sinh lời để trả nợ trong tương lai mới là quan trọng.
Cụ thể thế nào thưa ông?
+ Nguồn thu chính thứ nhất là từ khu vực nội địa gồm các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài; thu từ dầu thô… Tuy nhiên, trong đó cần chú ý thu các khoản từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, vì khu vực này đang quản lý tài sản nhà nước khoảng 1 triệu tỉ đồng. Khi anh sử dụng khoản này thì phải có trách nhiệm đóng vào ngân sách nhà nước. Hiện nay nhóm doanh nghiệp nhà nước có đóng nhưng mức đóng góp còn thấp so với mức sử dụng tài sản. Muốn hiệu quả chúng ta phải có luật, có thể chế và trong kỳ họp QH lần này sẽ thông qua luật quản lý vốn tại doanh nghiệp. Ngoài ra phải chú ý thu của doanh nghiệp nước ngoài. Vừa qua khu vực này trốn thuế nhiều mà chúng ta chưa kiểm soát hết. Họ vẫn mua thêm trụ sở, khai trương chi nhánh… nhưng vẫn khai lỗ là điều phi lý. Vậy nên các cơ quan thuế, thanh tra giám sát phải có trách nhiệm tăng cường để tránh thất thu thuế này.
Chi thì có ba khoản chi lớn: Thứ nhất là chi cho hành chính sự nghiệp mà cụ thể là chi cho bộ máy khoảng 70% chiếm khoảng 700.000 tỉ đồng. 30% còn lại chi cho đầu tư phát triển và trả nợ. Nhìn vào con số này thấy rõ khoản chi nặng nề nhất là hành chính sự nghiệp, chứng tỏ cơ quan hành chính quá cồng kềnh. Như vậy cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, phát huy năng suất lao động... Nếu làm được điều này chúng ta sẽ giảm được rất nhiều khoản chi cho hành chính sự nghiệp. Còn đầu tư phát triển rất cần nên phải tiếp tục nhưng vấn đề còn lại là giám sát. Mình đã có luật đầu tư công, giờ mình phải thể chế hóa nó bằng nghị định, thông tư một cách cụ thể… trên cơ sở đó dân có thể tăng cường giám sát để chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công.
Xin cám ơn ông.
Nguồn Pháp luật TP.HCM