DNNN chỉ mới rút lại 19% vốn đầu tư ngoài ngành
Chính phủ yêu cầu đến cuối năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính.
Tuy nhiên, trong thời gian 2011-2013, theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trung ương, số vốn bán được chỉ đạt 4.164 tỉ đồng trong tổng số 21.797 tỉ đồng mà các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Con số này đạt 19% so với mục tiêu đặt ra nhưng trong số 4.164 tỉ đồng vốn đã rút về, thực tế chỉ có 267 tỉ đồng bán ra bên ngoài và thu lại tiền, còn lại 3.894 tỉ đồng là chuyến vốn trong nội bộ.
Cho đến nay DNNN vẫn đầu tư dàn trải trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, nhiều doanh nghiệp quy mô rất nhỏ.
Việc rút về phần vốn đầu tư ngoài ngành còn lại, theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, sẽ được đẩy mạnh trong hai năm còn lại theo lộ trình đã được xác định. Trong tháng 2 này có thể Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết của Chính phủ nhằm giải quyết những vướng mắc trong việc rút vốn, trong đó có thể phải bán dưới mệnh giá.
Phát biểu tại Hội nghị về triển khai tái cơ cấu DNNN năm 2013 hôm 18-2 tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) Lại Văn Đạo cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ngoài ngành, Chính phủ cần áp dụng một số quy định đặc thù như đã áp dụng cho SCIC mới đây theo Quyết định 2344 về tái cơ cấu doanh nghiệp này đến năm 2015.
Theo ông Đạo, SCIC đã bán vốn tại 600 doanh nghiệp, thu về được 4.000 tỉ đồng trong mấy năm gần đây và giá trị thặng dư từ thoái vốn là 2.300 tỉ đồng.
Ông Đạo nói SCIC sẽ phải tiếp tục thoái vốn tại 390 doanh nghiệp còn lại và ông tin rằng việc thoái vốn sẽ đạt hiệu quả vì áp dụng các cơ chế bán vốn dưới mệnh giá, bán cả lô, được giảm giá với các mức độ khác nhau (ví dụ bán không hết được giảm giá 10% sau 3 tháng chào bán lần đầu).
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn