Bộ Công Thương đánh giá RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn. Ảnh: TL
Định vị chuỗi cung ứng Việt Nam từ RCEP
Thêm thị trường đầu vào
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết sẽ hợp nhất hơn 2,2 tỉ người và khoảng 30% GDP của thế giới. Đến nay, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với các nền kinh tế lớn trong RCEP, như FTA với Nhật (VJFTA), với Hàn Quốc (KVFTA) hay với ASEAN (AFTA), với Úc, New Zealand là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Như vậy, khi RCEP được ký kết, các doanh nghiệp trong nước sẽ có thêm lựa chọn sử dụng mẫu C/O theo mỗi FTA một cách phù hợp, nhằm có được mức ưu đãi thuế quan cao nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Theo đánh giá của Trung tâm WTO, lý do khiến không ít doanh nghiệp trong nước quan ngại là nhiều đối tác trong FTA này có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam. Hàng Việt vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu còn khiêm tốn.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam hằng năm vượt 30 tỉ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô… Đồng thời, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất được Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP cũng sẽ được xem là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.
Đáng chú ý, theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong lĩnh vực quy tắc xuất xứ, rõ ràng với những đối tác lớn trong ngành sản xuất của Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, thì các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như điện tử, may mặc, da giày sẽ có điều kiện thuận lợi để định vị và vận dụng những quy tắc xuất xứ này trên cơ sở đảm bảo được lợi ích tối đa của khu vực doanh nghiệp và ngành sản xuất của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng.
Đồng thời giúp khai thác tốt các thị trường như Trung Quốc, Úc, Nhật… cho những sản phẩm của ngành công nghiệp điện tử, dệt may, da giày. “Tôi cho rằng, đó là những yếu tố mà chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi để mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng một cách hiệu quả và bền vững”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Tìm vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị
Điều này đáp ứng đúng nhu cầu của Việt Nam vượt ra khỏi rào cản gia công, đổi mới mô hình tăng trưởng, phải vượt lên để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với một vị trí tốt hơn, đặc biệt thoát ra khỏi vị thế phụ thuộc quá nhiều vào một số đối tác trên thế giới, như phụ thuộc vào Trung Quốc về các nguồn cung cho hầu hết đầu vào của các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam.
Nhiều năm qua, hệ thống bán lẻ MM Mega Market Việt Nam duy trì kênh xuất khẩu khoảng 100 tấn với các mặt hàng chủ lực như thanh long, khoai lang, một số loại snack... của Việt Nam phân phối tại hệ thống gần 1.000 siêu thị Big C tại Thái Lan. Từ kênh xuất khẩu này, bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam, nhận xét Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nhận được nhiều lợi ích từ RCEP. Nguyên nhân là những nước tham gia vào hiệp định này hầu hết đều có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản.
“Các tiêu chuẩn nhập khẩu trong Hiệp định không quá khắt khe, thị hiếu tiêu dùng giữa các nước cũng khá tương đồng nên việc giao thương thuận lợi. Mặt khác, RCEP cũng mở cửa cho các dịch vụ logistics, thương mại điện tử, khiến hàng hóa đến tay người tiêu dùng giữa các nước một cách dễ dàng”, bà Nga cho biết.
Về vấn đề này, theo bà Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, trong các FTA đã có trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu Việt Nam do sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước nằm ngoài FTA mà không đáp ứng yêu cầu xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Giờ đây, Trung Quốc, Hàn Quốc và những nước vốn là nguồn cung nguyên liệu chủ yếu đều nằm trong RCEP khiến vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP trở nên dễ dàng hơn.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cũng nhận định, các công ty Việt Nam có thể tiếp cận nguồn nguyên vật liệu từ các quốc gia khác nhau phục vụ nhu cầu xuất khẩu của mình trong khi đáp ứng nguyên tắc xuất xứ nội khối để có thể tận dụng biểu thuế quan ưu đãi. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vinamit, cho rằng để doanh nghiệp Việt có thể bước ra các nước trong khu vực, vẫn còn nhiều trở ngại.
“Với nội lực hiện tại của đại đa số doanh nghiệp Việt, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước mới mở kênh được. Chẳng hạn, Hàn Quốc, Nhật tăng đầu tư vào Việt Nam vì chính phủ 2 nước này có chính sách định hướng, ngân hàng khuyến khích, hỗ trợ bằng cách cho vay với lãi suất 0%. Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn nằm ở mức 6-10%/năm sẽ rất khó cho doanh nghiệp Việt Nam trên đấu trường quốc tế”, ông Viên nhận xét.