Hải Vân Thứ Ba | 05/12/2017 08:56

Định giá thương hiệu bằng tài chính vẫn khó

Đang có nhiều công ty của Việt Nam có nhu cầu góp vốn chuyển nhượng và xác định giá trị thương hiệu.

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài đang diễn ra khốc liệt hơn, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2017, ngày 4.12, cho biết, "định giá tài sản thương hiệu” được các cơ quan nhà nước quan tâm.

Trên thế giới, định giá thương hiệu có nhiều mục đích. Ví dụ, các quyết định để mua bán kinh doanh, chuyển nhượng thương hiệu, theo dõi giá trị của các cổ đông, huy động vốn, lập kế hoạch chiến lược, thương hiệu, thông tin quản lý, kế hoạch thuế.

Thế nhưng, định giá thương hiệu ở Việt Nam vẫn mang tính tự phát, các bên thỏa thuận với nhau để thực hiện các giao dịch. Đặc biệt, trong thời gian đầu của quá trình cổ phần hóa, nước ta chưa có kinh nghiệm và “thường để quên tài sản vô hình”, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Việt Nam,  nhận xét.

Điển hình nhất là Công ty Kem Tràng Tiền. Trước đó, năm 2000, Kem Tràng Tiền được cổ phần hóa với giá trị chỉ 3 tỷ đồng, bao gồm cả giá trị thương hiệu và tài sản. Tuy nhiên, đến năm 2010, Kem Tràng Tiền khi chuyển nhượng lại đã bao gồm cả thương hiệu đã phát triển, đặc biệt là lợi thế đất. Giá trị công ty được chuyển nhượng là 500 tỷ đồng và giá trị thương hiệu trong đó được các bên thỏa thuận ở mức 150 tỷ đồng.

Theo Tổng giám đốc AVM Việt Nam, định giá thương hiệu mới dừng lại ở góc độ tự đánh giá về thương hiệu hay làm công tác truyền thông và có nhiều khó khăn trong quá trình định giá.

Thực tế, các nhà định giá rất khó tiếp cận thông tin chi tiết để tính toán, bởi vì ngoài các báo cáo tài chính còn có những thông tin liên quan đến chi phí liên quan đến thương hiệu, kế hoạch kinh doanh và những thông tin trong tương lai.

Ở Việt Nam, việc có được những thông tin về so sánh những chỉ số là rất khó khăn, trong khi đó ở nước ngoài các nhà định giá hoàn toàn có thể tiếp cận các chỉ số phân tích bình quân của ngành, các chỉ số để so sánh. Do đó, khi làm định giá ở Việt Nam, một số bên phải tham khảo chỉ số ở nước ngoài, một số bên khác phải đưa ra những ước lượng riêng.

Hiện, những giao dịch mua bán thương hiệu chưa nhiều. Ví dụ, chuyển nhượng quyền sử dụng hay chuyển nhượng toàn bộ công ty cùng nhãn hiệu xảy ra phổ biến hơn trên thế giới và trong khu vực, nhưng ở Việt Nam chỉ mới sôi động khoảng 5 năm gần đây.

Các quy định pháp lý về mua bán thương hiệu ở Việt Nam ở còn mới. Hiện nay, Bộ Tài chính ban hành tiêu chuẩn định giá tài sản vô hình, nhưng trên thực tế, văn bản chưa vào đời sống bởi thiếu những hướng dẫn cụ thể.

Ông Đặng Xuân Minh nói đang có rất nhiều công ty nhà nước và tư nhân của Việt Nam có nhu cầu góp vốn chuyển nhượng hoặc xác định giá trị thương hiệu. Ông tin rằng, việc định giá thương hiệu tới đây sẽ mở rộng hơn, nhưng cũng đưa ra khuyến cáo: “hãy để cho thị trường tự định giá”.