“Định giá quá cao là vấn đề của cổ phần hóa ở Việt Nam”
Vào tuần này Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Vũ Văn Ninh, ký quyết định ban hành nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 cho Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo đó đẩy nhanh việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay.
Ông Kevin Snowball, Giám đốc Điều hành Quỹ Tài sản PXP Vietnam nói với BBC hôm 11/03 rằng có hai lý do chính khiến tiến trình cổ phần hóa không được thành công cho tới nay.
“Đó là do việc đưa ra giá bán cổ phần quá cao cũng như thực trạng các nhà đầu tư không có đủ thông tin để đưa thể quyết định trên cơ sở có các thông tin đó. Tức là vừa thiếu minh bạch và vừa thiếu sự quảng bá rộng rãi.
“Hàng chục công ty được cổ phần hóa nhưng không mấy công ty có thể được xem là thành công.
Trước câu hỏi về việc có phải giới đầu tư nước ngoài còn lưỡng lự trước các công ty trong danh sách cổ phần hóa vì họ không có ghế trong hội đồng quản trị, ông Snowball cho rằng không hẳn là như vậy.
“Chúng tôi là các nhà đầu tư tài chính chứ không phải nhà đầu tư chiến lược. Chúng tôi muốn mua cổ phần các công ty vận hành tốt nhưng có giá cổ phiếu rẻ chứ không phải các công ty hoạt động kém mà giá cổ phiếu lại quá cao.
“Vấn đề lớn nhất theo tôi là định giá bán cổ phần quá cao. Chắc chắn là có các công ty hấp dẫn nhưng vấn đề cốt lõi là đối với chúng tôi là nhà đầu tư tài chính thì tại sao chúng tôi phải quan tâm tới một công ty mà chúng tôi thấy không có lợi về tài chính khi đầu tư vào."
Khi được hỏi về khả năng có thể cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp như chính phủ Việt Nam kỳ vọng trong năm nay, ông Snowball nói rằng mục tiêu đó là có thể thực hiện được về mặt “lý thuyết” nhưng có những vấn đề “kỹ thuật” cần phải giải quyết như sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài tới quy mô nào.
Trong khi đó vào tuần này chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với BBC rằng việc cổ phần hóa số doanh nghiệp này, vốn được đề ra cho giai đoạn 2013-2015, đã bị "chậm lại đáng kể".
Cũng theo bà, áp lực chạy theo đúng tiến độ có thể khiến cổ phần các doanh nghiệp nhà nước bị bán với giá rẻ, trong khi chất lượng quản trị lẫn tính minh bạch đều không được cải thiện.
“Tôi sợ nhất là kịch bản làm gấp để kịp với tiến độ mà làm với bất cứ giá nào thì sẽ gây ra tổn thất cho nền kinh tế, mà các doanh nghiệp đó cũng không có gì đảm bảo sẽ làm tốt hơn.
“Nói là tài sản nhà nước, nhưng thực chất đây là tài sản của dân, nếu bị tiêu tán bất hợp lý thì phải có người chịu trách nhiệm.
Vào đầu tháng này, Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam nói rằng các kế hoạch cổ phần hóa của chính phủ là "đáng hoan nghênh" tuy nhiên cổ phần hóa "cần có ý nghĩa thực sự."
“Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước gần đây đặt ra các câu hỏi về mức độ cải thiện thực trạng quản trị và điều hành có hiệu quả với sự tham gia rất hạn chế từ khu vực tư nhân", ông Sanjay Kalra được báo Wall Street Journal trích dẫn phỏng vấn với báo này.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC hồi tháng 11 năm ngoái khi Vietnam Airlines bán IPO, ông Kevin Snowball nói với BBC rằng “Việt Nam giới hạn mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức tối đa là 49% cho thấy là Việt Nam chưa sẵn sàng để cho thị trường chứng khoán vận hành theo cách mà đáng ra phải vận hành như tại những nơi khác.
“IPO là bước đi cốt để cung cấp nguồn tiền mặt thì dường như đã và đang không có mấy kết quả. Chúng ta đang đối diện rủi ro là cứ để tình trạng này càng kéo dài bao lâu thì nó chỉ càng thêm tiêu cực.
“Rồi sẽ đến lúc người ta sẽ hỏi rằng liệu có cần phải có thị trường chứng khoán không và làm gì với nó. Tức là chính phủ Việt Nam không có chính sách rõ ràng việc họ muốn phát triển thị trường chứng khoán tại Việt Nam như thế nào,” ông Snowball nói.
Nguồn Bizlive