Hội đồng quản trị Digiworld

 
Hoàng Kim Thứ Tư | 17/05/2023 08:00

Digiworld và chiến lược "dẫn nước vào kênh"

Đã có nhiều nhà đầu tư thắc mắc nhưng xét kỹ, mục tiêu doanh thu 20.000 tỉ đồng cho năm 2023 của Digiworld là khá tham vọng.

Một hình ảnh ví von, đã ví chiến lược mở rộng của Digiworld như việc dẫn nước vào các kênh. Càng có nhiều thùng nước đổ vào kênh Digiworld thì Công ty sẽ càng đạt tới những mức tăng trưởng mạnh mẽ. 

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đã có những phục hồi. Tuy nhiên với những ngành không thiết yếu như ICT, theo xác nhận của ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Digiworld “đã có sự sụt giảm nhu cầu vì khủng hoảng kinh tế vĩ mô trên thế giới”. 

Bám ngưỡng tỉ USD

Quý I/2023, kinh doanh của Digiworld đã không thể tăng trưởng, với doanh thu thuần chưa tới 4.000 tỉ đồng, giảm 44% còn lợi nhuận sau thuế chỉ 79 tỉ đồng, giảm 63%. Đây là kết quả mà Digiworld đã dự đoán được và nhận định tình hình sẽ còn kéo dài đến quý cuối của năm 2023. Ông Đoàn Hồng Việt cho biết, nội bộ Digiworld đã họp nhiều lần và quyết định lên kế hoạch năm 2023 thận trọng, với doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm so với năm 2022. 

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld.
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Digiworld.

Đã có nhiều nhà đầu tư thắc mắc nhưng xét kỹ, mục tiêu doanh thu 20.000 tỉ đồng cho năm 2023 của Digiworld là khá tham vọng. Bởi trước dịch COVID-19, doanh thu Digiworld chỉ hơn 8.400 tỉ đồng còn lãi sau thuế chỉ 164 tỉ đồng. COVID-19 xuất hiện đã thổi bùng nhu cầu hàng công nghệ và giúp Digiworld gần chạm ngưỡng 1 tỉ USD năm 2022 cũng như đạt lãi ròng 683 tỉ đồng năm 2022. 

Sang năm 2023, dù nhu cầu sản phẩm công nghệ không còn bùng nổ như 3 năm qua, Digiworld vẫn bám ngưỡng tỉ USD. Bởi sự tăng trưởng cho Digiworld không chỉ đến từ ngành hàng chính mà còn nhờ những ngành hàng mới.

Không ngừng đào kênh

Thực tế, để giữ vững sự tăng trưởng, Digiworld đã dùng lợi thế về khả năng cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) để tìm kiếm và đồng hành cùng các thương hiệu. Chẳng hạn, năm 2022, nhờ sự gia tăng thị phần Xiaomi và phân phối iPhone của Apple mà Digiworld vẫn giữ được đà tăng trưởng. Hay kể từ khi Digiworld bắt đầu phân phối máy lạnh, máy sấy, tivi Xiaomi ngành gia dụng của Digiworld đã đóng góp 556 tỉ đồng, tăng 150%. 

Sắp tới, với việc đã thiết lập mối quan hệ đối tác với Westinghouse (Mỹ) và phân phối cho cả thương hiệu đồ uống Lotte Chilsung lớn nhất tại Hàn Quốc, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, 2 nhãn hàng này sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu cho Digiworld kể từ quý II/2023.

Trước đó, vào cuối năm 2022, Digiworld cũng đã bắt tay cùng AB InBev, hãng bia ngoại sở hữu hàng loạt nhãn hiệu nổi tiếng như: Budweiser, Corona, Hoegaarden… Theo ông Đoàn Hồng Việt, các thương hiệu này đã đóng góp tích cực vào doanh thu Digiworld.

Đặc biệt, Digiworld cũng vừa mua lại cổ phần chi phối ở Công ty Achison vào cuối năm ngoái, đánh dấu bước ngoặt Digiworld tham gia ngành thiết bị, bảo hộ công nghiệp. Lãnh đạo Digiworld hy vọng đây sẽ là ngành tạo đột phá trong tương lai cho Digiworld.

Nhìn bao quát, năm 2024 được xác định là mốc tăng trưởng cho những ngành hàng mới của Digiworld. Vì thế, ngoài gia tăng các cửa hàng đơn lẻ để phân phối sản phẩm ICT, Digiworld còn đầu tư kho bãi, sẵn sàng cho việc mở rộng ngành thiết bị gia dụng và đã xin giấy phép cũng như hướng tới mục tiêu trở thành Top 3 nhà phân phối dược Việt Nam.

Với chiến lược mở rộng cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trong những quý tiếp theo, dù còn đó khó khăn về kinh tế vĩ mô và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ông Đoàn Hồng Việt vẫn tự tin “ở Digiworld luôn có cơ hội”.

Đại hội Cổ đông thường niên của Digiworld năm 2023.
Đại hội Cổ đông thường niên của Digiworld năm 2023.

Theo đánh giá của ông Đoàn Hồng Việt, ngành ICT vẫn còn cơ hội tăng trưởng vì tuy không thiết yếu nhưng ICT vẫn là ngành cần thiết và chưa bị bão hòa tại Việt Nam. Ở những ngành mới như điện gia dụng, cơ hội đến từ 20 triệu hộ gia đình sống tại thị thành. Họ có nhu cầu dùng điện gia dụng rất cao.

Không chỉ nắm bắt cơ hội, chiến lược của Digiworld là phải trong Top 3 những ngành tham gia. “Top 3 luôn sống”, ông Đoàn Hồng Việt nhấn mạnh. Đó là lý do Digiworld sẽ tiếp tục khai thác mạnh mẽ hơn những ngành hàng mới thâm nhập hoặc có thị phần thấp như ngành FMCG, thiết bị gia dụng... Bước đi của Digiworld sẽ tập trung vào 3 chữ C: con người, cơ hội và cơ sở vật chất. 

Đặc biệt khi thị trường khủng hoảng, theo ông Đoàn Hồng Việt, đó chính là cơ hội để Digiworld thực hiện M&A. Chiến lược của Digiworld là mua lại những công ty mà Digiworld tin rằng có thể giúp gia tăng hiệu quả hoạt động. Thông qua M&A, Digiworld còn có thể tự phát triển, đưa ra thị trường những nhãn hàng riêng cho những sản phẩm nhỏ.

Kinh doanh của Digiworld sẽ có những lúc sụt giảm hoặc đi ngang, dưới tác động của bối cảnh chung. Nhưng theo ông Đoàn Hồng Việt, mục tiêu tăng trưởng 20-25% mà Digiworld theo đuổi là nhìn trong dài hạn 5-10 năm. Nghĩa là trong hành trình đó, dù có những lúc chững lại nhưng cũng có những giai đoạn Digiworld sẽ đột biến, như 2021-2022.

Bổ sung nhãn hàng mới được phía Digiworld xác định là công việc thường xuyên, bình thường, như một cách đổ nước vào kênh Digiworld. Con kênh đó càng dồi dào lượng nước thì càng tươi tốt, đẹp đẽ, cho mùa bội thu.