Thứ Sáu | 03/01/2014 16:18

"Điều tôi tâm đắc nhất là phải đổi mới thể chế"

Quan điểm của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về tái cơ cấu đầu tư công.

Tái cơ cấu đầu tư công là một trong ba trọng tâm của đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đã được đề ra từ cuối năm 2012. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hơn một năm qua lĩnh vực đầu tư công vẫn chưa thấy có sự chuyển biến rõ rệt.

TBKTSG: Thưa bộ trưởng, ông nhìn nhận thế nào về sự chuyển biến trong lĩnh vực đầu tư công vốn bị cho là dàn trải, thất thoát, lãng phí?

- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chuyện đầu tư công dàn trải đã được nói tại Quốc hội mấy chục năm rồi. Nhu cầu các địa phương nhiều, mà phân cấp rồi nên họ cứ quyết. Đó là bình thường. Tôi ở địa phương cũng làm thế, chứ không phải lên bộ trưởng mới nói hay. Phải đọc đúng nguyên nhân mới ngăn được căn bệnh dàn trải. Vì thế, Chỉ thị 1792 ra đời đánh trúng điều đó.

Thứ nhất, địa phương nào không có tiền mà cứ ký quyết định thì phải chịu trách nhiệm. Năm 2011, sau khi có chỉ thị, các địa phương choáng váng vì chưa bao giờ có quy định chặt như thế. Quá nhiều dự án bị phanh lại, dở dang. Vì thế, năm đó tôi phải nhận trước Quốc hội là tôi giao chậm. Nhưng chậm mà giúp thu gọn lại còn hơn nhanh mà vẫn tiếp tục dàn trải. Tuy nhiên, năm đó chưa chấn chỉnh nhiều. Sang năm 2012 tới 95,6% tổng số dự án thuộc nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho địa phương, các bộ là đúng theo tinh thần Chỉ thị 1792; còn đến năm 2013 thì tới 99,2% được kiểm soát.

Thứ hai là nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc trách nhiệm của trung ương. Trước đây nợ hơn 100.000 tỉ đồng, tôi đã báo cáo với Quốc hội. Sang năm 2012 còn nợ 85.000 tỉ đồng, năm 2013 còn 40.000 tỉ và tới đây chỉ còn 28.000 tỉ thôi. Tuy nhiên, có nhiều địa phương như Hà Giang còn nợ tràn lan.

Tôi chuẩn bị ký kế hoạch 2014. Tinh thần chung là ưu tiên bố trí cho những dự án nợ đọng trước, dự án hoàn thành sớm để đưa vào sử dụng, rồi mới bố trí cái khác. Nếu ai bố trí sai là tôi cắt.

TBKTSG: Đó chỉ là bước đầu thôi, vì Luật Đầu tư công vẫn còn treo bảy năm nay?

- Nếu Luật Đầu tư công được thông qua trong năm nay thì sẽ toàn diện hơn. Thí dụ, chương đầu tiên trong luật là về chủ trương đầu tư. Đây là điều rất đụng chạm. Ai là người ra chủ trương đầu tư? Toàn là lãnh đạo các cấp chứ. Ở tỉnh là chủ tịch tỉnh, hay tập thể thường vụ; trên này là các bộ trưởng.

Như Bộ trưởng Giao thông Vận tải kể, có tỉnh làm đường rộng 70 mét mà không có người đi. Vậy thì ai chủ trương cho làm? Rồi danh mục dự án rất dài mà không có ai cân đối. Đây là nguyên nhân gây dàn trải, thất thoát, lãng phí nhất. Cho nên chủ trương đầu tư mà được kiểm soát thì sẽ tạo ra hiệu quả vô cùng lớn cho đất nước.

Một vấn đề quan trọng khác trong Luật Đầu tư công là bố trí vốn đầu tư cho trung hạn, thay vì hàng năm. Trong bố trí vốn, thường năm nào chỉ biết năm đó, không biết năm sau có bao nhiêu tiền. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nắm toàn quyền mà không biết mình có bao nhiêu tiền cho đất nước. Các bộ trưởng lĩnh vực giao thông, xây dựng, y tế, nông nghiệp, và các chủ tịch tỉnh có quyền quyết nhiều công trình nhưng không biết năm sau có bao tiền. Thậm chí, đến Thủ tướng cũng không biết.

Tình trạng này không thể kéo dài nên phải chuyển sang làm kế hoạch trung hạn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối từ nay đến năm 2016 có bao tiền trên nền tảng tăng trưởng dự kiến. Và tôi công bố cho các bộ, ngành và địa phương biết có ngần này tiền trong từng ấy năm. Thủ tướng ký cho cả năm năm, chứ không phải xin gì như trước đây.

TBKTSG: Điều gì giúp ông có tinh thần như thế? Kinh nghiệm ở địa phương hay ở trung ương?

- Ở địa phương đã xuất phát ý tưởng này rồi. Tôi tự thấy là vô lý hết sức. Năm nào tôi cũng phải đi xin. Khi lên trung ương, tôi càng nhìn thấy rõ sự vô lý, chả biết có bao nhiêu tiền. Một ngày tôi phải tiếp bao nhiêu ông bí thư, chủ tịch, giám đốc sở lên xin dự án này, dự án kia. Tôi thấy như vậy là bất ổn.

Thời kỳ 2008-2010 nền kinh tế bung ra kinh quá. Bây giờ có bổ sung thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ cũng không là gì. Tôi nói thế để thấy chúng ta giải quyết một số lượng dự án kinh khủng. Nếu không có Chỉ thị 1792, không biết đất nước sẽ đi đến đâu.

TBKTSG: Ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được, ông có cảm thấy yên tâm?

- Kinh tế vĩ mô ổn định mới chỉ là bước đầu. Năm 2013, Chính phủ đã kiểm soát tiền tệ và giá cả tương đối tốt, nhưng tôi muốn đẩy lạm phát lên 7% kìa.

Việt Nam phải đi hai chân. Với một cơ cấu kinh tế đang phải gia công, lắp ráp nhiều thế này thì nhập siêu một chút cũng không có gì lạ. Khi cơ cấu kinh tế tốt lên, công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh lên, chúng ta sẽ giảm được nhập siêu. Lúc đó lạm phát mới đưa về mức 3-5% như thế giới.

Còn những người bảo phải kéo lạm phát xuống 2-3% chỉ là sách vở. Đó là sai lầm. Lạm phát đang 18,13% năm 2011 mà kéo xuống còn 6,81% năm 2012 là siết quá chặt. Xe đang chạy tốc độ cao mà giảm tốc đột ngột thì sẽ bị lật. Kết quả là bao nhiêu doanh nghiệp chết. Phải hiểu sâu xa bản chất của nền kinh tế mới có quyết sách đúng đắn. Ví dụ năm tháng trước khi có Nghị quyết 13 về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tôi đã cảnh báo doanh nghiệp sẽ rất khó khăn nếu siết chặt tín dụng quá mức. Tôi cũng đã nói với Thống đốc. Tôi nói, tôi là tổng tham mưu trưởng về kinh tế, tôi phải đi hai chân, tôi không chỉ lo cho ngành tín dụng, mà phải lo cho cả doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước nữa. Sau đó khi tín dụng được nới lỏng thì đã hơi chậm.

Thứ hai, về lạm phát chúng ta tính toán được mà. Chúng ta phải biết được lúc nào tăng giá điện, than, dịch vụ y tế. Không thể tăng ồ ạt như vậy. Thủ tướng vừa rồi ra Quyết định 1317 giao cho Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư là tổng tham mưu nền kinh tế với sự phối hợp của các bộ như thống đốc, bộ trưởng tài chính, công thương. Vì thế, việc tăng giá năm 2013 nhịp nhàng hơn.

TBKTSG: Nhìn nhận của Bộ trưởng về triển vọng kinh tế của đất nước?

- Chính phủ mới chỉ ổn định lại được kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, còn tăng trưởng có lên mức 7% được hay không lại là câu chuyện khác đầy thách thức. Tôi mong là các năm 2014-2015 chúng ta chuẩn bị được nền tảng cho đổi mới. Nếu không đổi mới Việt Nam sẽ khó khăn vì Chính phủ có thể kiểm soát được lạm phát, nhưng nền kinh tế không thể tăng trưởng mạnh được với cơ cấu hiện tại.

TBKTSG: Theo ông, đâu là dư địa để đổi mới?

- Còn rất nhiều dư địa để tạo ra tăng trưởng vì chúng ta đang ở mức rất thấp. Hãy cứ làm theo những gì thế giới đã làm. Điều tôi tâm đắc nhất bây giờ là phải đổi mới thể chế. Thể chế phải là thể chế kinh tế thị trường. Phải lấy thị trường điều tiết toàn bộ hoạt động kinh tế. Còn nếu chúng ta phân bổ theo chủ quan thì sai lệch rất nhiều.

Phải khẳng định kinh tế thị trường là tinh hoa của nhân loại, là thứ chúng ta phải áp dụng từ việc thị trường hóa giá cả, đến cạnh tranh thị trường. Phải mở rộng sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân. Tư nhân không phải là con đẻ của đất nước này à? Chúng ta đã chấp nhận đa dạng hóa nền kinh tế, thì thành phần nào cũng phải bình đẳng chứ.

Nếu không tạo được môi trường tốt trong 2-3 năm tới thì tăng trưởng sẽ chỉ quanh quẩn thế này. Đây là điều tôi rất trăn trở.


Nguồn TBKTSG


Sự kiện