Thứ Năm | 29/11/2012 08:39

Điều kiện đăng ký kinh doanh vàng gây khó doanh nghiệp

Vốn điều lệ 100 tỷ đồng, thuế đã nộp từ kinh doanh vàng trên 500 triệu đồng/năm được xem là quá khó với 12.000 doanh nghiệp đang kinh doanh hiện nay.
Ngày 10/1/2013 là thời điểm các doanh nghiệp đủ điều kiện phải hoàn tất thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước, theo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ. Với những quy định được đánh giá là rất chặt chẽ, số doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh mặt hàng này trên cả nước sẽ chỉ còn lại vài chục.

Khi được hỏi về việc, liệu có đủ điều kiện để tiếp tục kinh doanh vàng miếng, câu trả lời chung của hầu hết các chủ tiệm vàng là lắc đầu bởi hầu hết các hộ kinh doanh vàng bạc hiện nay số vốn tự có chỉ một vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước TPHCM, địa bàn có thị trường kinh doanh vàng miếng sôi động nhất cả nước, việc đăng ký tiếp tục lĩnh vực kinh doanh này khá dè dặt và khó có sự đột biến, khi mà thời hạn chót đang đến gần.

Tổng cộng 22 ngân hàng và công ty đăng ký kinh doanh vàng miếng, một tỷ lệ rất nhỏ so với con số 12.000 doanh nghiệp hiện tại. Các cửa hàng, các công ty kinh doanh vàng bạc tư nhân sẽ quay trở về mặt hàng truyền thống là mua bán, gia công đồ trang sức. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Có trên 10% số hộ kinh doanh đã phải ngừng hoạt động.

Doanh nghiệp hầu như không thể tiếp tục kinh doanh vàng miếng, người dân từ nay sẽ chỉ giao dịch vàng miếng tại những chi nhánh ngân hàng, các cửa hàng, đại lý trực thuộc các công ty được cấp phép.

Cái lợi là người dân có thể yên tâm phần nào về chất lượng vàng, nhưng cũng có những hạn chế nhất định trong giao dịch. Sự bất tiện mà người dân đang cảm thấy rất rõ này có thể coi như một thành công của chính sách. Nhưng để thay đổi hoàn toàn thói quen tích trữ vàng như một thứ tài sản đảm bảo, không thể một sớm một chiều.

Nguồn VTV


Sự kiện