Thứ Bảy | 29/12/2012 07:06

"Điều hành chính sách tiền tệ còn bị động do dự báo chưa chính xác"

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ trong giai đoạn 2011-2012 đã bắt đầu có những bước đi thận trọng hơn.
Tại một hội thảo về chính sách mới đây do Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức, TS. Nguyễn Thạc Hoát thuộc Học viện Chính sách và Phát triển đưa ra nhận định, mục tiêu cao nhất và cuối cùng của chính sách tiền tệ (CSTT) của Việt Nam hiện nay là ổn định giá trị đồng tiền thông qua điều chỉnh tỷ lệ lạm phát. Đây là sự đổi mới, hoàn thiện đúng hướng của CSTT ở Việt Nam, theo hướng CSTT đơn mục tiêu, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Theo TS. Nguyễn Thạc Hoát, hiện nay những vấn đề còn tồn tại trong hoạch định chính sách nói chung và CSTT nói riêng vẫn vướng phải những vấn đề có liên quan đến sự bị động trong các chính sách xuất phát từ nguyên nhân của công tác dự báo còn chưa chính xác và chưa kịp thời, đi theo đó là tính ngắn hạn và tính chiến lược thấp của các chính sách.

Kinh nghiệm điều hành chỉ tiêu lạm phát thời gian qua cho thấy sự chênh lệch quá lớn giữa mức lạm phát thực tế với chỉ tiêu lạm phát mục tiêu, thể hiện kỳ vọng cao của Chính phủ đối với mức lạm phát, muốn ổn định nhanh kinh tế vĩ mô đã gây áp lực lớn cho điều hành CSTT, buộc phải sử dụng công cụ, các biện pháp hành chính, điều hành ngắn hạn, gây sốc cho nền kinh tế.

Việc cắt giảm cung tiền và tăng trưởng đột ngột trong thời gian qua của NHNN đã gây ra những hệ quả không mong muốn như lãi suất cho vay và nợ xấu tăng cao, thanh khoản của hệ thống Ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán suy kiệt, thị trường bất động sản đóng băng.

Thực tế điều hành CSTT trong thời gian qua, NHNN Việt Nam đã lựa chọn biến số Tổng phương tiện thanh toán M2 và Mức tăng trưởng tín dụng làm mục tiêu trung gian của CSTT Việt Nam. Kết quả điều hành M2 giai đoạn 2011-2012 theo xu hướng thực hiện sát với mục tiêu đề ra hơn nhiều giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên sự cắt giảm đột ngột và với mức độ giảm lớn M2 so với thực hiện bình quân giai đoạn 2004-2010, làm suy giảm nghiêm trọng tổng cầu của nền kinh tế, phát sinh thêm những khó khăn cho kinh tế vĩ mô.

TS. Nguyễn Thạc Hoát đã đưa ra vấn đề liệu rằng yếu tố M2 đã thực sự được kiểm soát đầy đủ và tính toán chính xác. Trong điều kiện nền kinh tế có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt còn lớn; thực trạng đô la hóa, vàng hóa và thị trường tiền tệ phi chính thức vẫn chưa kiểm soát được hết; dẫn đến cơ sở tính toán, dự báo chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán M2 còn nhiều bất cập. Do vậy sẽ ảnh hưởng đến sự tính toán, hoạch định các mục tiêu giữa cung tiền với lạm phát và lạm phát với tăng trưởng kinh tế khó chính xác.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân 2004-2010 là 24,14%/năm, thực hiện bình quân 35,17%/năm. Mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng 2011-2012 là sự điều chỉnh hợp lý với mục tiêu kiểm soát lạm phát và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Tuy vậy, kết quả thực hiện 2 năm liên tục thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, làm suy kiệt tín dụng, tác động bất lợi cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng cho các năm sau.

Xu hướng suy giảm tín dụng quá mức có nguyên nhân của điều hành CSTT và khó khăn từ nền kinh tế. Cụ thể là cơ chế lãi suất cho vay chưa hiệu quả, chậm được điều chỉnh theo diễn biến CPI; đồng thời khó khăn từ nền kinh tế thể hiện trong khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế bị suy giảm mạnh.

Bàn về các công cụ điều hành CSTT của Chính phủ, TS. Trịnh Quang Anh, Ngân hàng Maritime Bank cho biết các công cụ được NHNN sử dụng chủ yếu trong thời gian qua bao gồm: lãi suất, tái cấp vốn, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở OMO, kiểm soát hạn mức tín dụng,…

Năm 2011-2012 đã cho thấy một chính sách điều hành CSTT thận trọng của Chính phủ, các công cụ đã được sử dụng một cách linh hoạt hơn, cung tiền được kiểm soát chặt chẽ.

Công cụ lãi suất đã phát huy hiệu quả trong năm 2011, với việc nâng lãi suất, thu hút lượng tiền mặt lưu hành đã góp phần điều chỉnh giảm tổng cầu dẫn đến giảm lạm phát. Tuy nhiên, theo các số liệu kinh tế những năm qua cho thấy chu kỳ lặp lại cứ sau 1 đợt tăng trưởng tín dụng lại xuất hiện nguy cơ lạm phát tăng cao. Do vậy, nguy cơ lạm phát trở lại năm 2013 là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thị trường tiền tệ đã có nhiều biến động kể từ khi đồng nội tệ và ngoại tệ đảo chiểu từ năm 2010, đồng nội tệ mất giá dẫn đến nguy cơ đô la hóa cao trong nền kinh tế. Tuy nhiên năm 2012 đã chứng kiến sự chuyển dịch từ đầu tư ngoại tệ sang nội tệ. Đây là một dấu hiệu tốt đối với đồng tiền Việt Nam tuy nhiên lại gây ra tình trạng xấu đối với tín dụng ngoại tệ.

Nguồn Bộ Kế hoạch Đầu tư


Sự kiện