Điều hành bất cập trong kinh doanh xuất khẩu gạo
“Thả rông” sản xuất làm khó xuất khẩu
Chính sách điều hành đề ra các mục tiêu là bảo đảm lợi ích của người trồng lúa; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa gạo trong nước và bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả. Nhưng thực tế thì sao?
Dự báo năm nay xuất khẩu gạo nước ta chỉ đạt ngưỡng 7 triệu tấn, giảm khoảng 1 triệu tấn so với năm 2012, giá cũng giảm khoảng 15-20 USD/tấn. Nguyên nhân bất cứ ai cũng thấy là do thị trường gạo thế giới bị “bội thực”. Thế nhưng những kết quả thất vọng nói trên đã manh nha từ lâu do sự lệch pha giữa sản xuất và xuất khẩu kéo dài từ năm này qua năm khác. Nghị định 109 chỉ xoay quanh hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, còn hoạt động sản xuất lúa như thế nào thì vẫn do cả triệu hộ nông dân tùy nghi định đoạt.
Các số liệu thống kê cho thấy năm 2011, trong khi lượng gạo sản xuất trong nước tăng “khủng” khoảng 1,5 triệu tấn thì lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng nhỏ giọt trên 200.000 tấn. Còn năm 2012 sản lượng gạo sản xuất chỉ tăng khoảng 800.000 tấn nhưng lượng xuất khẩu lại tăng 900.000 tấn. Tuy nhiên, lượng gạo sản xuất rất lớn từ năm 2011 đã tạo ra sức ép quá lớn cho xuất khẩu năm 2012 và kéo sang cả năm 2013. Năm 2013, sản xuất được “thả rông” vẫn tiếp tục tăng khoảng 700.000 tấn, trong khi lượng gạo xuất khẩu ước tính giảm mạnh đương nhiên gây áp lực lên giá gạo xuất khẩu và giá lúa gạo trong nước giảm. Như vậy “bài ca” được mùa bán giá thấp, nông dân lỗ tiếp diễn.
Một thực tế khác, thị trường xuất khẩu gạo của chúng ta hầu như liên tục ở trong tình trạng giá sàn xuất khẩu gạo một đường, giá chào xuất khẩu một nẻo. Và cho đến nay, giá sàn gạo xuất khẩu đã được Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra có cũng như không.
Tất cả điều nói trên cho thấy chúng ta vẫn chưa thể chữa được “căn bệnh nghịch lý” giảm lượng gạo xuất khẩu khi được mùa, giá cao và ngược lại, tăng tốc xuất khẩu khi giá rẻ.
Vẫn thiếu thương hiệu
Có thể nói Nghị định 109 chỉ hướng tới duy trì một hệ thống phân phối lúa gạo dựa trên một nền nông nghiệp lúa nước tiểu nông, mạnh ai nấy làm từ nhiều thập kỷ qua. Không hề có sự thúc đẩy nâng cao trình độ phát triển, đáp ứng những đòi hỏi về chất lượng ngày càng khắt khe của thị trường.
Xuất khẩu chỉ nhắm vào những thị trường chủ yếu quan tâm đến chuyện “ăn no” và giá rẻ, cho nên Việt Nam vẫn chỉ là “quan sát viên” đối với những thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng, coi trọng thương hiệu, chấp nhận giá mua cao. Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng việc chúng ta đang quá khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu gạo thay thế hiện nay chủ yếu là do nguyên nhân này.
Nói tóm lại, thị trường lúa gạo cần có một chính sách pháp lý điều hành phù hợp mở đường tăng chất, tăng giá trị và có thương hiệu. Từ đó, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phải liên kết chặt chẽ với nông dân xây dựng các vùng lúa nguyên liệu đáp ứng những nhu cầu cụ thể.
Đây cũng là vấn đề mấu chốt trong việc sản xuất và xuất khẩu hàng loạt nông sản chủ yếu khác của nước ta. Việc chúng ta đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới từ lâu nhưng đang ngày càng thất thế trên thị trường, vì chỉ xuất khẩu những nông sản “vô danh” với giá quá rẻ mạt, còn những người nông dân thì vẫn rất nghèo đủ chứng tỏ điều đó.
Thị trường gạo trong nước vốn dễ tính nhưng đang ngày càng có nhu cầu đòi hỏi về chất lượng và chấp nhận giá cao. Với thu nhập của một bộ phận đông đảo dân cư đã khá cao, nhất là ở khu vực đô thị, chắc chắn nhu cầu này sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Vì vậy, cần có chính sách phát triển chăm sóc tốt thị trường này. |
Nguồn Pháp luật tp.HCM