Điều gì sẽ xảy ra nếu VAMC thất bại?
Theo chuyên gia phân tích cao cấp Hang Jin Yun của CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, tuy các nhà đầu tư (NĐT) ít nhiều kỳ vọng vào việc VAMC xử lý nợ xấu nhưng thực tế VAMC đang “mua thời gian”. Lượng tiền được đẩy ra nền kinh tế chỉ ở mức hạn chế. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia nước ngoài này về VAMC.
Thưa ông Hang Jin Yun, ông có thể cho biết một số điểm khác biệt cơ bản giữa cách xử lý nợ xấu của Hàn Quốc và Việt Nam được không?
Điểm khác biệt lớn nhất, công ty xử lý nợ xấu của Hàn Quốc là KAMCO mua lại nợ xấu với giá rất rẻ để có thể xử lý triệt để món nợ xấu đó. Còn VAMC lại mua lại nợ xấu với giá khá là cao, khó có thể bán lại nợ xấu đó cho người khác. Điểm thứ hai, KAMCO cũng mua lại toàn bộ ngân hàng dính nợ xấu và tái cơ cấu lại thành một ngân hàng mới. Còn Việt Nam giữ nguyên Ngân hàng.
Như vậy, tuy Hàn Quốc và Việt Nam đều sử dụng cùng một phương pháp là thành lập công ty mua bán nợ xấu để xử lý nợ nhưng cách thức thực hiện sẽ cho thấy là xử lý như thế nào thì triệt để hơn.
Vậy ông đánh giá khả năng xử lý nợ xấu của Việt Nam đến đâu?
VAMC thành lập cũng chưa được lâu. VAMC cũng mới tiến hành mua nợ xấu từ đầu tháng 10/2013 và nợ xấu đã mua cũng chưa được đem bán đấu giá nên hiện tại khó có thể đánh giá được.
VAMC mới mua lại nợ xấu mà chưa có kế hoạch xử lý cụ thể, thì chỉ giống như là “mua thời gian”, giãn nợ. Tuy nhiên, cũng có 2 lợi ích. Trước hết là các ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng mạnh. Thứ hai là Chính phủ không phải bỏ quá nhiều tiền để thực hiện tái cơ cấu.
Điểm yếu của VAMC là Ngân hàng nào không tự xử lý được các khoản nợ xấu của mình thì sau 5 năm, ngoài khoản nợ xấu phải nhận lại, họ còn gánh thêm những khoản nợ xấu phát sinh mới. Các Ngân hàng lại quay lại thời điểm bắt đầu.
Theo ông, Chính phủ Việt Nam không bỏ nhiều tiền để xử lý nợ xấu thì liệu có hiệu quả không?
Trước hết có thể thấy, VAMC mua nợ xấu không bằng tiền mặt mà bằng trái phiếu đặc biệt. Các ngân hàng lại đem trái phiếu đó để vay vốn tại NHNN với giá rẻ. Như vậy, các ngân hàng vừa xóa được nợ xấu lại vừa có khoản vốn mới để tăng trưởng tín dụng. Điều này có thể tác động tích cực đến nền kinh tế.
Có các trường hợp thế này. Thứ nhất là VAMC không bán được nợ xấu đó và sau 5 năm, số nợ xấu đó trả lại cho ngân hàng. Khi đó lại phân ra làm 2 trường hợp, một là các ngân hàng trong 5 năm đó đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các món nợ của mình, hai là các ngân hàng không thể trích lập đủ dự phòng cho các khoản nợ. Như vậy, nợ xấu của Việt Nam đã không được giải quyết.
Trường hợp thứ hai, Chính phủ chấp nhận chịu lỗ, bán nợ với giá rẻ tức là "chịu chi" thì hiệu quả xử lý sẽ cao hơn. Trong cuộc khủng hoảng của Hàn Quốc, số tiền mà chính phủ Hàn Quốc bỏ ra để tái cơ cấu chiếm khoảng 40 – 50% GDP.
Tuy nhiên, Việt Nam khó có thể áp dụng tái cơ cấu triệt để như Hàn Quốc vì cần rất nhiều tiền. Trong nhiều năm Việt Nam liên tục thâm hụt ngân sách. Nếu Chính phủ chịu “chi” như thế thì thâm hụt ngân sách có thể lên tới trên 10%, đem lại những hậu quả khó lường.
Ngoài ra, nếu mà bán với một mức giá quá thấp thì cũng sẽ vấp phải sự phản đối của người dân trong nước. Người dân gửi tiền vào ngân hàng, họ sẽ nghĩ rằng tài sản của họ tại sao lại bán cho nước ngoài với giá rẻ mạt như thế?
Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, bán nợ xấu với giá thấp, khi đó Tổng thống Hàn Quốc đã vấp phải sự phản đối biểu tình dữ dội của người dân.
Theo ông, nếu phương pháp xử lý nợ xấu bằng VAMC thất bại thì sao?
Nếu VAMC thất bại thì có một số trường hợp. Việt Nam có thể lâm vào khủng hoảng tài chính vì các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam, Việt Nam không vay nợ của nước ngoài được. Khi đó Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Chính phủ cũng rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đương nhiên khi đó nền kinh tế Việt Nam rất nguy hiểm, khó có thể hồi phục.
Trường hợp khác, Việt Nam vẫn có thể đi vay được, thì nguồn vốn đó cũng không thể có giá rẻ. Thậm chí nếu vay được thì có thể ngay trong thời điểm đó không vỡ nợ nhưng về dài hạn vẫn có nguy cơ này do phải vay vốn lãi suất cao.
Là một nhà đầu tư nước ngoài, ông có muốn mua nợ xấu của Việt Nam không?
Nếu VAMC bán nợ với giá hấp dẫn thì tôi sẽ xem xét mua.
Theo ông, giá như thế nào thì hấp dẫn?
Phải xem khoản nợ xấu đó như thế nào. Nếu nợ đó thuộc diện khó mà đòi được thì phải mua với cái giá gọi là “vừa bán vừa cho”. Còn nếu khoản nào đó vẫn có tính minh bạch, “con nợ” và “chủ nợ” vẫn tồn tại thì có thể xem xét mua với giá cao hơn.
Theo ý kiến của tôi, nếu VAMC bán nợ với giá đắt hơn giá mua thì khó mà làm được vì theo mức chiết khấu mà VAMC mua trong thời gian qua, tức bằng 90 – 91% giá trị khoản nợ. Giờ mà bán với giá cao hơn thế thì chắc chắn là NĐT sẽ không mua. Đó là một món nợ xấu, bản thân nó đã chứa đựng những rủi ro rồi. Nếu bán với giá khoảng 30 – 40%, Chính phủ phải chịu lỗ thì mới có người mua được.
Hải Minh
Nguồn CafeF