Điều gì sẽ xảy ra khi Grab độc quyền tại Đông Nam Á?
→Tại sao Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á?
Liệu dịch vụ có đắt đỏ?
Mohd Ilsa Rozlan sử dụng Grab hoặc Uber cho các chuyến đi hàng ngày của mình tại Phnom Penh (Campuchia), nơi anh làm việc. Hãng nào cung cấp mã khuyến mãi sẽ quyết định dịch vụ mà anh sử dụng trong ngày.
Tuy nhiên, tin tức Uber đang chuẩn bị bán các hoạt động ở Đông Nam Á cho đối thủ lớn nhất của mình là Grab đã khiến nhà quản lý kỹ thuật số đến từ Malaysia lo ngại rằng người tiêu dùng có thể sẽ bị thua thiệt.
Ilsa không phải là người duy nhất lo lắng về việc thiếu cạnh tranh sẽ ảnh hưởng đến dịch vụ Grab đang cung cấp cho người tiêu dùng.
Chủ tịch của Hiệp hội Người tiêu dùng Malaysia (MCM) ông Darshan Singh Dhillon nói với Free Malaysia Today rằng, nếu Grab tiếp quản các hoạt động của Uber trong khu vực, hãng này sẽ nắm thế độc quyền trên thị trường chia sẻ xe tại Malaysia.
Darshan nói: "Nếu điều đó xảy ra, dịch vụ tương đối rẻ mà người Malaysia đang được hưởng có thể trở nên đắt đỏ, đặc biệt nếu dịch vụ taxi thông thường của chúng ta bị loại ra”.
Điều tương tự cũng xảy ra với hàng ngàn người lái xe taxi đã chuyển sang làm việc cho Uber and Grab trong vài năm qua. Họ cho biết mình không có khả năng cạnh tranh với Uber và Grab do mức giá thấp hơn và ít quy định quản lý hơn.
Darshan cho biết MCM muốn chính phủ khuyến khích thêm hiều công ty chia sẻ xe tham gia trong ngành thông qua các biện pháp ưu đãi hoặc loại bỏ những rào cản pháp lý không cần thiết.
Chính phủ cũng có thể hỗ trợ các công ty taxi truyền thống và lái xe bằng cách đào tạo họ thích nghi với những thay đổi của thời cuộc và tận dụng những tiến bộ công nghệ để cải thiện dịch vụ mà họ cung cấp.
Ông cũng đặt câu hỏi liệu việc Grab tiếp quản Uber có được Ủy ban Cạnh tranh Malaysia (MyCC) phê duyệt. Tuy nhiên, không rõ liệu có cơ quan quản lý nào trong nước có thể ngăn chặn các động thái này của công ty có trụ sở tại Singapore.
Grab vẫn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh
Đối với một tài xế Uber như Peter, việc tiếp quản có thể là tin xấu, đặc biệt khi anh không thể là tài xế đối tác của Grab do bị cấm.
Anh nói: "Hầu hết các tài xế mà tôi biết chọn lựa làm việc cho Uber và Grab, tùy thuộc vào ưu đãi mà họ nhận được. Vì vậy, nếu chỉ có một công ty, thì người lái xe sẽ phải chấp nhận bất kì ưu đãi nào được đưa ra".
Nhưng nếu Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á, Grab, hãng xe có hơn 2,1 triệu tài xế tại Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanma và Campuchia, vẫn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh, kinh tế gia Firdaos Rosli của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) cho hay.
Ông nói thêm: "Chúng ta đã có nhiều ứng dụng gọi xe taxi trên thị trường nhưng liệu những ứng dụng này có thể trở thành ứng dụng chia sẻ xe là một câu hỏi khác. Nếu họ muốn, họ phải cung cấp rất nhiều, nếu không nói là nhiều hơn những gì Grab đang chào mời người sử dụng".
Firdaos, Giám đốc Thương mại và hội nhập khu vực của ISIS, nói rằng nếu việc Grab tiếp quản Uber diễn ra, Grab sẽ là chuẩn cho tất cả các dịch vụ taxi, dù là taxi truyền thống hay dịch vụ chia sẻ xe. Ông nói: "Họ cũng sẽ phải chịu sự giám sát của công chúng."
Trước đó, Bloomberg tiết lộ Uber đang bán các hoạt động ở Đông Nam Á cho Grab để đổi lấy cổ phần trong công ty gọi xe có trụ sở tại Singapore này. Thị trường xe chia sẻ ở Đông Nam Á đang nhanh chóng mở rộng và dự kiến sẽ đạt 13,1 tỷ USD vào năm 2025.
Nguồn Free Malaysia Today