Tỷ giá đang tăng mạnh trong 2 tuần qua. Ảnh: Quý Hòa
Điều gì đang xảy ra với tỷ giá?
Tỷ giá liên tục tăng
Liên tiếp trong 2 tuần qua, tỷ giá USD/VND tự do liên tục tăng mạnh, và hiện tỷ giá đang giao dịch ở mức 23.385-23.435VND/USD trong tuần này. Cùng với đó là đà tăng của của tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại. Hiện tại, tỷ giá tại Vietcombank đang dao động ở mức 23.200-23.280VND/USD. Tỷ giá tại các ngân hàng như Eximbank cũng dao động ở mức 23.195-23.280VND/USD.
Diễn biến USD/VND trong 3 tháng qua. Nguồn: Tygia.com |
Đa phần các chuyên gia đều cho rằng đây là xu hướng chung của thế giới do đồng USD tiếp tục mạnh lên trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Giới đầu tư nhìn thấy đồng bạc xanh như một kênh đầu tư an toàn nếu xu hướng "ăn miếng trả miếng"thuế quan giữa các nước ngày càng leo thang. Bốn tháng sau khi Tổng thống Mỹ gây sốc cho thị trường chứng khoán với tầm nhìn về việc áp thuế nhập khẩu vào Mỹ cao hơn, các nhà đầu tư đang khám phá ra chất xúc tác giúp đồng USD chống chịu được sự hỗn loạn thương mại tốt hơn vàng. "Đồng USD đã trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư trú ẩn an toàn", Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo A/S, cho biết bằng email từ Copenhagen.
Chỉ số USD. Nguồn: Bloomberg |
Tuy nhiên, một yếu tố mà chúng ta chưa nhắc đến đó là hiện tại trong khi nước Mỹ liên tục nâng lãi suất trong thời gian qua, thì Việt Nam vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Theo lý thuyết kinh tế, việc USD/VND tăng lên là không tránh khỏi. Khi nước Mỹ nâng lãi suất thì giới đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng hút tiền về nền kinh tế Mỹ, điều này làm tăng áp lực dòng vốn (bằng USD) chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi làm tăng áp lực lên cung USD.
So sánh với quốc gia láng giềng ngày 23.7, Trung Quốc cũng công bố là nước này không có ý hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT), và giới phân tích cho rằng, đà giảm giá của đồng NDT thời gian qua là do các lực lượng thị trường. Điều này phản ánh sự tương phản trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi Fed liên tục nâng lãi suất thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vẫn giữ lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Và các nhà kinh tế của Bloomberg Economics ước đoán rằng đồng Nhân dân tệ đang vượt quá định giá hợp lý khoảng 6,6% theo các điều kiện cơ bản. Kể từ cuối quý I đến nay, đồng Nhân dân tệ đã giảm giá hơn 7% so với đồng USD.
Quay trở lại với Việt Nam, rất có thể đợt tăng tỷ giá USD/VND này cũng là do yếu tố thị trường, xét trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới. Một điều nữa, thời gian qua, Việt Nam không có thương vụ thoái vốn nào lớn, khiến dòng USD vào Việt Nam là không dồi dào như trước.
Những động thái của Ngân hàng Nhà nước
Trước tình hình USD căng thẳng, Ngân hàng nhà nước đã có những động thái bán ra USD nhằm bình ổn tình hình. Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt, NHNN đã bán ra 2,16 tỷ USD trong 6 ngày tính đến 20/7 và tỷ giá USDVND cũng đã có chút hạ nhiệt vào thời điểm cuối tuần trước. Tuy nhiên, ngày 23.7, sau khi ngân hàng nhà nước tăng tỷ giá bán can thiệp từ mức 23.050 lên 23.273VND/USD thì tỷ giá tại các ngân hàng tăng lên theo như mức đã nêu ở phần trên. BVSC nhận định đây là tín hiệu cho thấy NHNN quyết định tạm thời dừng việc bình ổn thị trường bằng cách bán ra USD với giá thấp.
Giải thích cho động thái này ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ với báo giới rằng: “Việc NHNN sẵn sàng can thiệp tại tỷ giá 23.050 VND/USD đã giúp bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Trên thực tế, khi thị trường ngoại tệ có thiếu hụt cục bộ về ngoại tệ và chịu áp lực từ yếu tố tâm lý, kỳ vọng, việc can thiệp ngoại tệ của NHNN đã bổ sung một lượng ngoại tệ nhất định cho thị trường, giúp khả năng cung ứng ngoại tệ cho khách hàng của TCTD tốt hơn. Do đó, ngày hôm nay, NHNN niêm yết tỷ giá bán ngoại tệ ở mức 23.273 VND/USD để tỷ giá thị trường diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỷ giá hợp lý”.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn có một công cụ khác để kiềm chế tỷ giá. Đó là lãi suất. Một động thái nối bật trong thời gian qua là việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đột ngột tăng mạnh ở các kỳ hạn dưới 1 tháng. Thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng hiện khá căng thẳng. Việc ngân hàng Nhà nước đã bán ra hơn 2 tỷ USD để can thiệp vào thị trường, điều đó cũng đồng nghĩa là khoảng 46.000 tỷ VND bị hút khỏi thị trường.
Tiền VND bị hút khỏi hệ thống và đó là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng thận trọng hơn trong khi cung nguồn, đẩy lãi suất tăng mạnh, và Kho bạc nhà nước cũng liên tục rút tiền khỏi hệ thống. Theo một chuyên gia ngoại hối lâu năm, sở dĩ có hiện tượng như vậy là do lãi suất tăng sẽ hạn chế khả năng đầu cơ giá lên USD/VND.
Các chuyên gia cho rằng, nhà nước cần phải hết sức linh hoạt trong điều hành tỷ giá, một mặt nếu tỷ giá USDVND không hạ nhiều trong bối cảnh đồng tiền của các nước xuất khẩu đối thủ hạ giá thì sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt. Mặt khác, nếu tỷ giá hạ mạnh, thì điều này sẽ làm tăng gánh nặng nợ bằng đồng USD của Việt Nam. Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam đang muốn thu hút thật nhiều vốn đầu tư của nước ngoài, tỷ giá USD/VND biến động mạnh theo chiều hướng tăng là một yếu tố không có lợi và về lý thuyết sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng kiềm chế lạm phát.
BVSC nhận định động thái nâng giá bán USD của NHNN là nhằm mục đích đưa giá tỷ giá về đúng diễn biến của thị trường, nhất là trong bối cảnh PBOCc vẫn chưa có động thái can thiệp chính thức nhằm chặn đà rơi của đồng NDT trong những ngày gần đây. BVSC cho rằng nhiều khả năng NHNN đang tính đến kịch bản đồng NDT có thể sẽ tiếp tục giảm giá thêm 1-2% nữa, nên chủ động đi trước để VND giảm giá thêm khoảng 1%. Nếu kịch bản trên thực sự xảy ra, có thể VND sẽ có mức mất giá từ 2-3% cho cả năm nay.