Ông Nguyễn Xuân Hàn, Chủ tịch kiêm TGĐ Maseco tặng quà tết bà con nghèo.

 
Minh Anh Thứ Tư | 12/12/2018 10:04

Điều gì đang khiến Maseco gặp khó?

Các cổ đông bất ngờ thoái sạch vốn tại Công ty Maseco, trong lúc này cổ phiếu MSC của Maseco vẫn tăng trưởng tốt. Điều gì khiến cổ đông quyết định vậy?

Nguyên nhân được cho là do tình hình kinh doanh đang sa sút và sự ra đi của hàng loạt cán bộ chủ chốt của Công ty. Cũng phải nói thêm, Maseco là tên viết tắt của Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận. Mã chứng khoán: MSC.

Maseco là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu; sản xuất, kinh doanh hàng điện tử và được biết đến với thương hiệu nổi tiếng Ariang gồm các loại đầu máy DVD, karaoke vi tính, amply… Mặc dù nổi tiếng với sản phẩm Karaoke Ariang nhưng doanh thu chính của Công ty này đến từ kinh doanh các sản phẩm nông sản như hồ tiêu, cà phê…

Lĩnh vực nông sản, mặt hàng chủ lực của Maseco là cà phê nhân và hồ tiêu với thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”. Ngoài ra, công ty còn kinh doanh nhà hàng, bất động sản.

Thay máu dàn lãnh đạo

Trong 9 tháng đầu năm, Maseco báo lỗ 45,4 tỉ đồng chủ yếu do giá vốn trong cơ cấu doanh thu tăng cao trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi 17,2 tỉ đồng. Dự kiến cả năm, công ty lỗ 162 tỉ đồng, trong đó lỗ do hoạt động kinh doanh 50 tỉ đồng, trích lập công nợ khó đòi 32 tỉ và trích lập giảm giá tồn kho 80 tỉ đồng. Theo kế hoạch 2018, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.200 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 30 tỉ đồng và dự kiến tỉ lệ chia cổ tức thấp nhất sẽ là 10%.

Năm 2018 sẽ là năm MSC tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh, chỉ duy trì các lĩnh vực kinh doanh có hiệu quả, ít rủi ro và sẽ nhanh chóng sắp xếp lại các đơn vị kinh doanh. Ngày 02.11.2018, MSC công bố thông tin sẽ chấm dứt hoạt động, giải thể 2 Chi nhánh tại Đà Nẵng và Bình Dương. Thực tế, đây cũng là 2 chi nhánh mà tình hình kinh doanh không có hiệu quả trong 9 tháng đầu 2018.

Được biết, 22,5 triệu cổ phiếu MSC được niêm yết trên HNX từ 8.2.2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 26.000 đồng/cổ phiếu. Trong năm 2018 cổ phiếu MSC đã có lúc bất ngờ giảm sâu xuống dưới mệnh giá, tạo đáy ở mức 9.800 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 9.4.2018). Tuy nhiên sau đó MSC đã phục hồi và giao dịch ở vùng giá 16.100 đồng/cổ phiếu, tăng 28% so với thời điểm đầu năm 2018.

Trong Đại hội Đồng Cổ đông bất thường 2018, công ty đã miễn nhiệm và bầu lại HĐQT, BKS. Cụ thể, HĐQT trình cổ đông việc miễn nhiệm 5/7 thành viên HĐQT gồm ông Trịnh Ngọc Minh, bà Trương Thị Thanh Tâm, ông Lê Thiện Hưng, ông Vũ Duy Tân Cảnh và ông Trịnh Phương Nam. Ngược lại, bầu bổ sung 3 nhân sự khác là bà Nguyễn Thiện Mỹ, ông Nguyễn Hoàng Phi, ông Phan Bá Cường, ông Nguyễn Xuân Trường và ông Đỗ Văn Thắng.

HĐQT cũng trình miễn nhiệm toàn bộ BKS là ông Đồng Thanh Bình, ông Đăng Văn Tuấn, ông Tô Thanh Tùng và bầu thay thế ông Phạm Minh Thuận, bà Đỗ Thị Liên Chi, bà Bùi Thị Liễu.

Các nhân sự bầu bổ sung theo đề cử của cổ đông lớn và nhóm cổ đông lớn. Nếu được đại hội thông qua, HĐQT của Maseco sẽ có 2 thành viên cũ được giữ lại là ông Nguyễn Xuân Hàn và ông Đỗ Hướng Dương trong khi BKS thay mới hoàn toàn.

Ngay sau khi lên sàn, 3 cá nhân lớn đã nhanh chóng trở thành cổ đông lớn nắm quyền chi phối công ty. Cụ thể, có 3 cá nhân đã gom 13,37 triệu cp, tương đương 59,4% vốn công ty. Đó là cá nhân Lưu Văn Đạt đã mua 4.965.102 cp, ứng 22,07% vốn; cá nhân Nguyễn Hoàng Phi mua 4.972.069 cp, ứng 22,1% và cá nhân Bùi Thị Liễu mua 3.440.062 cp, ứng 15,29% vốn.

Trên thị trường chứng khoán, vào phiên giao dịch 28.11, cổ phiếu MSC có giao dịch thỏa thuận đến 18,3 triệu cp, chiếm 81,3% vốn công ty; giá trị chuyển nhượng đạt 293 tỉ đồng, tương đương 16.000 đồng/cp.

Dieu gi dang khien Maseco gap kho?
 

Xây dựng lại chiến lược kinh doanh

Maseco hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng và vật tư sản xuất; sản xuất, chế biến hàng nông sản xuất khẩu; kinh doanh bất động sản, khách sạn, nhà hàng, văn phòng… Công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết HNX vào 8.2.2017, giá ngày giao dịch đầu tiên đạt 33.800 đồng/cp. Sau đó cổ phiếu bắt đầu suy giảm về vùng giá 10.000 đồng/cp. Kể từ đầu tháng 8 năm nay, cổ phiếu Maseco bắt đầu tăng trở lại và đạt mức 18.000 đồng/cp chốt phiên 7.12.

Trước đây, Maseco vốn là công ty có kim ngạch xuất khẩu tiêu và cà phê lớn, doanh thu hầu như không mấy khi âm. Thế nhưng, hoạt động kinh doanh của công ty từ khi niêm yết đến nay đang trên đà lao dốc. Năm 2017, doanh thu công ty giảm gần phân nửa về 1.061 tỉ đồng; lãi ròng 36% về 19,7 tỉ đồng.

Bối cảnh hoạt động kinh doanh đi xuống, công ty dự kiến tái cấu trúc như ngừng kinh doanh hàng nông sản là hồ tiêu, cà phê nhân; thu gọn bộ máy hoạt động nông sản và điện tử, tập trung giải quyết hàng hóa tồn kho, thu hồi công nợ; thanh lý tài sản là nhà xưởng chế biến sản xuất hồ tiêu tại Gia Lai, sản xuất cà phê nhân tại Bình Dương; duy trì cho thuê văn phòng; thoái vốn tại các công ty có vốn góp như Công ty điện tử Phương Đông, Công ty Arirang Hà Nội, Công ty Amteco, Công ty Alo360, Công ty cà phê Tín Nghĩa, Công ty dịch vụ xúc tiến thương mại.

Trước dây, trước nhiều lần khó khăn, ông Nguyễn Xuân Hàn đã liên tục phải đúng mũi chịu sào để đưa Maseco vực dậy trở lại. Cũng phải nói thêm, thị trường xuất khẩu của tiêu và cà phê mấy năm nay khá đìu hiu, trong khi thị trường bất động sản khá trầm lắng. 2 mảng này gần như là mảng kinh doanh chính của Công ty. Maseco liệu có thoát khỏi khó khăn?