Thứ Hai | 01/06/2015 13:30

Điều coi chừng "tiêu"!

Nhiều chuyên gia trong ngành điều đã cảnh báo các doanh nghiệp phải thận trọng trong năm nay, nhất là về việc nhập điều thô với giá cao.

Nhớ lại thời ðiểm “vỡ trận” của ngành ðiều 4 năm về trước, hàng loạt các công ty phá sản mà hệ lụy đến nay cũng chưa giải quyết xong. Khi đó, vào đầu niên vụ năm 2011, giá điều nguyên liệu tăng mạnh trên thị trường do điều thô có dấu hiệu khan hiếm. Giá điều nhân trên thế giới tăng theo. Ðể đảm bảo kế hoạch sản xuất và đáp ứng các đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài, các nhà sản xuất trong nước đều đẩy mạnh nhập khẩu điều thô. Không ngờ sang quý III/2011, giá điều thô và nhân trên thế giới mất giá đến 40-50% so với đầu niên vụ.

Hậu quả là hàng loạt các doanh nghiệp “sập tiệm”. Ðiển hình như Công ty Nam Long (Vũng Tàu), có quy mô sản xuất lớn nhất nhì ngành điều Việt Nam, chỉ sau một niên vụ đã bị phá sản bởi lỡ nhập 20.000 tấn điều thô từ châu Phi về sản xuất, thua lỗ lên đến 400 tỉ đồng.

Thế nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà đầu niên vụ điều 2014-2015, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đã khuyến cáo các doanh nghiệp cần thận trọng không nên vội nhập khẩu điều thô với giá cao.

Trong nội bộ ngành điều, có những lý giải khác nhau về tình trạng giá điều thô châu Phi tăng mạnh như hiện nay. Giá tăng là do yếu tố đầu cơ từ các tập đoàn lớn trên thế giới, khi họ đẩy mạnh mua điều thô Tây Phi.

Bên cạnh việc giá điều thô tăng mạnh, tình trạng các nhà xuất khẩu hủy bỏ hợp đồng đã ký kết hay đối tác nhập hàng chấp nhận phạt vi phạm hợp đồng cũng diễn ra phổ biến. Điển hình như Công ty Hoàng Sơn bị các nhà cung ứng điều thô nước ngoài hủy hợp đồng với khối lượng tới 3.600 tấn.

Báo cáo của Vinacas cho rằng năm nay, biến động lớn trên thị trường nguyên liệu sẽ xảy ra một phần do nhóm đầu cơ đẩy giá, tạo sự khan hiếm giả tạo. Đồng thời, nhóm này còn tung ra thị trường những đơn hàng nhập khẩu điều nhân với giá khá hấp dẫn. Ðó là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro cho ngành.

Cụ thể, theo Vinacas, nhu cầu về nhân điều thế giới hiện khá ổn định. Khả năng giá điều nhân tăng là chưa có cơ sở. Vì vậy, việc nhập khẩu điều thô giá cao sẽ chứa đầy rủi ro. Ngay cả trong trường hợp các nhà sản xuất có đơn hàng xuất khẩu nhân được ký kết với đơn giá cố định, họ vẫn có khả năng thua lỗ nếu giá điều nhân giảm mạnh khi vào vụ sản xuất.

Tuy nhiên, ngành vẫn tồn tại một thực trạng là dù giá điều thô cao nhưng vẫn phải nhập vào sản xuất, do những đơn hàng phải giao trong các tháng cuối năm 2014 chưa thực hiện. Năm ngoái, lượng điều nhập khẩu của Việt Nam là 579.000 tấn, trị giá 656 triệu USD. Mức này giảm gần 10% về lượng nhưng tăng 9% về giá trị so với năm 2013.

Mặt khác, trong 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu 85.000 tấn điều nhân, giá trị thu về là 635 triệu USD, tăng hơn 14% về lượng và hơn 36% về giá trị. Giá điều xuất khẩu bình quân trong quý I/2015 là 7.161 USD/tấn, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Tuy hấp dẫn, nhưng vẫn có khả năng đây là “kịch bản” của các tập đoàn đầu cơ sắp đặt từ trước. Họ chấp thuận cho doanh nghiệp sản xuất giao chậm nhằm làm đòn bẩy tăng giá nguyên liệu, dẫn đến hiện tượng giá điều thô cao vẫn phải mua.

Thông thường giá khi biến động, nhà sản xuất sẽ hạn chế nhập khẩu, sản xuất đến đâu mua nguyên liệu đến đó. Tuy nhiên, thị trường điều thô lại không theo quy luật này. Khi thị trường điều thô ở Tây Phi hay Bờ Biển Ngà biến động, các nhà sản xuất lại chuyển sang nhập khẩu điều thô từ 2 quốc gia trong khu vực ASEAN là Indonesia và Campuchia. Trong 4 tháng đầu năm nay, lượng điều thô nhập khẩu của Việt Nam là 231.350 tấn với giá trị là 310 triệu USD, tăng gần 223% về lượng và hơn 277% về giá trị so với cùng kỳ.

Đặc trưng của ngành điều là trữ nguyên liệu khi đến niên vụ thu hoạch cho sản xuất cả năm. Do đó vốn cho nguyên liệu sẽ rất lớn. Nếu điều thô tăng giá thì doanh nghiệp không cần sản xuất, bán nguyên liệu vẫn có lời. Còn khi giá nguyên liệu xuống, giá điều nhân giảm ít nghĩa là doanh nghiệp sản xuất “không công”, mà giảm nhiều thì nhà sản xuất sẽ trắng tay.

Vì thế, nhiều chuyên gia trong ngành điều đã cảnh báo các doanh nghiệp phải thận trọng trong năm nay. Theo Vinacas, cần dự báo nhu cầu và khả năng tăng giảm giá nhân trên thế giới, không trữ nhiều nguyên liệu đề phòng giá nguyên liệu giảm, chỉ nhập khẩu nguyên liệu theo đơn hàng xuất khẩu nhân đã ký kết. Những cảnh báo này chắn chắn sẽ không bao giờ thừa.

Bảo Ngọc