Điều chỉnh quy định tiền lương của sếp doanh nghiệp nhà nước
Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Một trong các vấn đề đã được tiếp thu, chỉnh sửa tại dự thảo luật mới nhất là tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý doanh nghiệp.
Quá trình hoàn thiện dự án luật, một số vị đại biểu không nhất trí quy định về tiền lương tại dự thảo luật và đề nghị quy định về tiền lương, tiền thưởng phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động, xem xét tiền lương phải dựa trên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm tương quan với bình quân chung của doanh nghiệp và xã hội, tránh sự bất bình đẳng quy định lương người quản lý doanh nghiệp quá cao trong khi lương của công nhân quá thấp.
Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại dự thảo luật theo nguyên tắc xác định tiền lương phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
Dự thảo luật cũng xác định tiền lương, tiền thưởng của người lao động phải căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng lao động, gắn với hiệu quả công việc, năng suất lao động.
Riêng đối với tiền lương, tiền thưởng của người quản lý doanh nghiệp, ngoài hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh còn phải gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về tiền lương, tiền thưởng để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Sau khi chỉnh sửa, điều 33 dự thảo luật quy định hai nguyên tắc xác định tiền lương, thù lao của người quản lý doanh nghiệp do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.
Thứ nhất, căn cứ vào hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp.
Thứ hai, căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp. Còn thù lao của người quản lý doanh nghiệp không chuyên trách được xác định trên cơ sở công việc và thời gian làm việc nhưng không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý doanh nghiệp chuyên trách.
Dự thảo luật cũng quy định tiền thưởng của người quản lý doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trên cơ sở hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, xếp loại doanh nghiệp, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp và được trích từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.
Bên cạnh vấn đề nêu trên, việc xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Một số vị đề nghị nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý nhà nước.
Nhìn nhận ý kiến của đại biểu là xác đáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sẽ tạo được đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.
Thành lập cơ quan chuyên trách sẽ tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cơ quan tiếp thu dự thảo luật giải thích, việc thay đổi mô hình đại diện chủ sở hữu sẽ tác động đến mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị luật không quy định cụ thể đại diện chủ sở hữu là các bộ, ủy ban nhân dân... mà vẫn giao quyền cho Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình để từ đó có những đề xuất phù hợp, sát thực tiễn và góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Chủ nhiệm Giàu cho biết.
Nguồn VnEconomy