Điều chỉnh lương theo CPI khi đã đáp ứng nhu cầu tối thiểu
Thông thường, nhu cầu lương thực thực phẩm tính theo calo, ví dụ đảm bảo cho người lao động 1 ngày là 2.300 calo thì trong đó bao nhiêu % là về lương thực và bao nhiêu % là thực phẩm. Từ nhu cầu về lương thực, thực phẩm, người ta tính về nhu cầu phi lương thực thực phẩm quy đổi. Cũng có cách xác định mức sống tối thiểu bằng cách tính chỗ ở, việc học hành, ăn mặc, giải trí.
"Chúng ta đang điều chỉnh lương theo 2 yếu tố. Một mặt là nâng dần lên mặt bằng để đáp ứng nhu cầu tối thiểu, mặt khác phải đảm bảo tiền lương thực tế. Giờ phải có lộ trình để đưa lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Khi đạt được mục đích rồi thì ta sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI)", ông Huân nói.
Về vai trò của Hội đồng tiền lương Quốc gia và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Phạm Minh Huân cho biết, ngày 1/5/2013, Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực thì những lần điều chỉnh (lương tối thiểu - PV) từ năm 2014 trở đi, Hội đồng tiền lương quốc gia mới thực hiện chức năng tư vấn, khuyến nghị Chính phủ về ban hành mức lương tối thiểu.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khi đó sẽ đóng hai vai, nếu thuộc Hội đồng tiền lương quốc gia thì theo cơ chế hoạt động của Hội đồng, nếu thực hiện chức năng quản lý nhà nước thì vẫn phải nghiên cứu, đề xuất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu. Có thể phương án của Bộ trùng với Hội đồng nhưng cũng có thể khác và cần phải lý giải để đưa ra phương án chung.
Nguồn Chinhphu.vn