Ảnh: QH
Điều chỉnh giá điện thế nào cho hợp lý?
Giá bán lẻ điện bình quân đã có 9 lần tăng trong 2009 - 2018, có lần tăng tới hơn 15%. Về điều chỉnh giá điện, nhiều năm qua đã có các phương án phù hợp để tránh tác động nhiều phương diện khi giá điện tăng. Mới đây, tại một Hội thảo về ngành điện do Tập đoàn điện lực (EVN) tổ chức, nhiều chuyên gia đã đề xuất các phương án để cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Điều chỉnh giá điện theo mùa
Ông Lê Hồng Tịnh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường đề xuất điều chỉnh giá điện 2 hoặc 4 lần một năm để "tránh gây sốc".
"Điều chỉnh như vậy giá sẽ lên, giảm từ từ, chứ không gây sốc cho người tiêu dùng vì bị 'nén' quá lâu như vừa qua và điều chỉnh tăng giảm phù hợp với thị trường", ông Lê Hồng Tịnh nhận xét.
Nhận định về vấn đề điều chỉnh giá điện theo mùa, PSG Bùi Xuân Hồi (đại diện nhóm nghiên cứu của Bộ môn Kinh tế Năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, “Có quá nhiều đối tượng áp giá và mức giá gây khó khăn cho các đơn vị khi áp giá để ký kết hợp đồng mua bán điện”.
Đề xuất cải tiến cơ chế biểu giá bán lẻ điện, ông Hồi đề xuất cần luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá, quy định kèm theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Vị này đề xuất tính chu kỳ giá theo phương án 6 tháng một lần.
Theo đó, thời điểm điều chỉnh sẽ lựa chọn theo mùa mưa và mùa khô đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng. Kỳ điều chỉnh giá đề xuất sẽ là tháng 3 và tháng 9 hàng năm.
Ngoài ra, vẫn có những lúc điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.
Giải thích về căn cứ điều chỉnh theo thời gian, ông Bùi Xuân Hồi cho rằng phù hợp về mặt pháp lý cấp điện áp danh định, đơn giản trong tính toán. Phương pháp giá cộng tới để phân bổ chi phí theo cấp điện áp từ đó có thể dẫn tới việc có tăng, có giảm giá như xăng dầu. Nguyên nhân bởi mùa khô và mùa mưa thì chi phí cung ứng điện khác nhau.
GS-TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng việc thay đổi chu kỳ tính giá sẽ tiệm cận cơ chế thị trường. "Đến chu kỳ theo 2 mùa, EVN báo cáo thay đổi giá, cơ quan quản lý thông qua hoặc quy định thì thành luật để thực hiện. Cơ chế điều chỉnh giá theo đầu vào như thế nào, theo tỉ giá hay thời điểm điều chỉnh giá có thể nghiên cứu thêm"..
Đề xuất giảm số bậc tính giá điện
Về đề xuất cải tiến biểu giá điện sinh hoạt bậc thang, nhóm nghiên cứu từ Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra 3 phương án là 3-4-5 bậc so với 6 bậc hiện nay.
Với phương án 5 bậc, nhóm nghiên cứu đề xuất các bậc: Dưới 100 kWh, 101-200 kWh, 201-400 kWh, 401-700 kWh và trên 700 kWh. Tương ứng, số hộ tiêu dùng các bậc thang mới là 32,7%, 35,4%, 20,6%, 4,36% và 2,74%.
Theo nhóm nghiên cứu, những hộ dùng dưới 100 kWh/tháng sẽ trả chi phí chỉ bằng 93,54% thực tế. Hộ gia đình dùng bậc 2 sẽ trả giá bằng 98,7% chi phí thực tế. Với bậc 3-4-5, giá điện phải trả cao hơn chi phí lần lượt là 102,4%-108,85%-112,5%.
Nêu quan điểm cá nhân, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng, trước hết điều chỉnh giá điện thế nào cũng phải trên nguyên tắc minh bạch đầu vào, công khai chi phí và cần học tập theo mô hình điều hành của các nước.
"EVN điều chỉnh theo mùa, một năm 4 lần cũng được mà điều chỉnh một năm 2 lần cũng không sao nhưng phải có cơ sở. Từng có ý kiến ngành xăng dầu điều chỉnh giá theo chu kỳ 15 ngày một lần, giúp ngành này điều chỉnh một lần hưởng lợi cả 3 năm rồi. EVN muốn điều chỉnh theo chu kỳ hay mùa vụ thì cũng phải bảo đảm vấn đề quản lý cho tốt đã", vị chuyên gia thẳng thắn.
Vị chuyên gia nói thêm, Chính phủ đang đặc biệt quan tâm tới giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, EVN cũng nên đi theo quy luật thị trường, phải công khai, minh bạch, rõ ràng.