Điều 292 BLHS: Không "vơ đũa cả nắm" kinh doanh online
Trong ngày 9.2, Dự án Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 đã được Ủy ban Tư pháp đưa ra bàn thảo. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người tham gia trực tiếp phiên thảo luận, cho biết, bỏ Điều 292 tuy là xu hướng chính nhưng chưa hoàn toàn được đồng thuận.
Dự án Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 do Ủy ban Tư pháp đưa ra sửa 169 điều, so với bản Chính phủ trình là sửa 141 điều, bổ sung thêm 28 điều, trong đó có 33 điều sửa kỹ thuật.
Đại diện Toà án Nhân dân tối cao vẫn đề nghị giữ Điều 292 nhưng giới hạn lại đối tượng. Đại diện Bộ Công an cũng đề nghị giữ Điều 292 và để ngỏ khả năng nếu không giữ được thì tính toán đưa từng hành vi nguy hiểm sang các điều khác phù hợp.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tư pháp, Uỷ ban Pháp luật, Liên đoàn Luật sư và một số Đại biểu Quốc hội... đều ủng hộ bỏ Điều 292.
Với sức ép của dư luận và đề nghị của Chính phủ bỏ Điều 292, thì việc giữ Điều 292 sẽ không nhận được ủng hộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tính toán lồng ghép một số quy định của điều này sang các điều khác, như Điều 290, theo ông Đậu Anh Tuấn.
Trao đổi với phóng viên Nhịp cầu Đầu tư, Luật sư Trần Đức Hoàng, Luật sư thành viên của EZLAW Firm, nhận xét, có thể ý của Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu là đối với một số hành vi đặc thù thì nên sử dụng hoặc lồng ghép vào những điều luật khác phù hợp hơn và đã có sẵn trong Bộ luật Hình sự, như hành vi kinh doanh đa cấp trái phép hoặc kinh doanh vàng trái phép.
“Tôi ủng hộ ý kiến này nếu việc sửa luật không phân biệt giữa kinh doanh online và offline cũng như không "vơ đũa cả nắm" đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh online”.
Điều 292 được đề nghị không dựa vào yếu tố "thiếu giấy phép" mà sẽ dựa vào yếu tố "chưa được phép" để quy kết tội phạm hình sự. Theo Luật sư Hoàng, việc thay đổi nếu có, sẽ, trực tiếp hay gián tiếp, vô tình hay cố tình, biến Điều 292 bao trùm nhiều hoạt động của các công ty công nghệ hơn, làm cho nhiều người có khả năng bị coi là phạm tội hình sự hơn trước.
Tại Việt Nam, có những hoạt động không phải xin giấy phép nhưng vẫn được coi như phải xin phép cơ quan nhà nước thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Và, có những thủ tục theo luật định là thủ tục thông báo, nhưng khi xuống thông tư, thủ tục đã bị biến dạng thành thủ tục xin phép.
Ví dụ cơ chế đăng ký website thương mại điện tử đang là cơ chế xin phép nhưng không cấp giấy phép, Luật sư Hoàng dẫn chứng.
“Không chỉ cộng đồng khởi nghiệp và công nghệ thông tin Việt Nam, hầu hết người Việt Nam đều mong muốn Điều 292 hay những điều luật vô lý khác sẽ không còn tồn tại để cản trở sự phát triển của nền kinh tế và xã hội hiện đại nước ta”, Luật sư Hoàng nói và hy vọng: “Quốc Hội sẽ lắng nghe và hiểu những mong muốn của cử tri”.
Theo kế hoạch, ngày 13.2, vấn đề này sẽ được Ủy ban Tư pháp trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Hải Vân