Thứ Tư | 24/04/2013 11:10

Diện tích trồng mía ở ĐBSCL giảm mạnh

Chi phí đầu tư tăng cao, giá mía thấp, đầu ra bấp bênh khiến diện tích trồng mía tại ĐBSCL giảm hàng nghìn ha.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau…, chỉ trong thời gian ngắn, diện tích trồng mía ở các địa phương này đã giảm đến hàng nghìn ha. Riêng tại các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, diện tích giảm hơn 1.500ha.

Trao đổi với phóng viên Nông thôn ngày nay, phần lớn người trồng mía cho rằng, giá mía nguyên liệu sụt giảm liên tục những năm qua lại tỷ lệ nghịch với giá vật tư nông nghiệp và nhân công. Bình quân sau mỗi vụ mía giá nhân công tăng từ 30 – 35% và vật tư nông nghiệp tăng 10 – 15%.

Theo ông Huỳnh Văn Thảo, trưởng phòng Ngân hàng Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn huyện Trà Cú (Trà Vinh) cho biết với giá mía như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí từ 75 – 80 triệu đồng/ha, nông dân chỉ thu về được 15 - 20 triệu đồng/ha. Nếu đem chia cho thời gian 10 tháng/vụ mía, người trồng mía chỉ thu vào chưa tới 2 triệu đồng/ha/tháng. So với các loại cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế của cây mía thấp nhất.

Với tình hình này, nông dân đang có xu hướng chuyển diện tích đất trồng mía kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và trồng lúa tại các vùng có điều kiện.

Bên cạnh đó, trước tình hình mía đường đang gặp khó khăn, ngành nông nghiệp nhiều địa phương đã chủ động khuyến cáo bà con nông dân một số vùng trồng mía không hiệu quả chuyển sang cây trồng khác.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện