Diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp
Theo ông Phạm Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, riêng trong vụ hè thu này ND tại 2 huyện Quảng Ninh và Bố Trạch đã bỏ hoang đến 752ha đất. Ông Tăng Minh Lộc- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn thuộc Bộ NN&PTNN cho biết, số liệu ban đầu cho thấy đã có ít nhất 6 tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng và miền Trung đã xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng hoặc trả ruộng với diện tích 1.000ha.
Theo đánh giá và gợi ý của Bộ NN&PTNT, hiện có thể có 6 nguyên nhân dẫn đến nông dân (ND) trả ruộng, bỏ ruộng đất, đó là: thiếu lao động, chuyển nghề đi làm việc khác; giá vật tư cao, chi phí sản xuất cao; giá bán nông sản thấp hoặc không bán được nông sản, thu nhập thấp; điều kiện sản xuất nông nghiệp quá khó khăn (thiếu nước, đất xấu, hộ gia đình khó khăn, thiếu vốn sản xuất); do công nghiệp hóa, đô thị hóa và chính sách về đất đai. Ngoài những nguyên nhân trên, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành báo cáo thêm những nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng này.
Cục hợp tác kinh tế và phát triển nông thôn đã có có những tính toán cụ thể, chi tiết về chi phí, lợi nhuận của người làm ruộng. Lấy số liệu cụ thể ở khu vực Đồng bằng Sông hồng cho thấy thu nhập thực của hộ ND chỉ là 13 triệu đồng/năm. Như vậy, bình quân 1 lao động/hộ chỉ có giá trị ngày công (lãi) khoảng 45.000 đồng/công (tính thời gian làm việc 24 công/tháng). Đây là mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị ngày công của vùng.
Giá vật tư đầu vào cũng liên tục tăng. Nếu tính 5 năm trở lại đây, giá giống tăng 2,5 lần, giá phân bón vô cơ tăng gấp 2 lần, nhân công thuê ngoài cũng tăng hơn 2 lần, trong khi đó giá thóc chỉ tăng 1,2 lần, từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng/kg. Ngoài ra, mỗi hộ nông dân bình quân phải đóng khoảng 1,6-1,7 triệu đồng/năm co các khoản phí như: tiền bảo vệ đồng ruộng, tiền thu làm giao thông nông thôn, nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, vệ sinh môi trường, quỹ khuyến học, quỹ nông dân và phần lớn khoản này họ vẫn được tính theo đầu sào.
Nguồn Dân Việt