Diện tích Đà Lạt sẽ tương đương Hà Nội
Ông Nguyễn Hữu Tâm, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết đồ án quy hoạch điều chỉnh được nghiên cứu theo hướng xây dựng Đà Lạt tương lai thành đô thị loại 1 trực thuộc trung ương.
Theo ông Tâm, quy hoạch mới không nhằm mở rộng ranh giới hành chính của Đà Lạt tương tự tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội mà xác định những vùng đất tương đồng với Đà Lạt về mặt thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện phát triển kinh tế để mở rộng môi trường đầu tư cho Đà Lạt và vùng phụ cận. Đồng thời, tạo nên những đô thị vệ tinh hỗ trợ cho sự phát triển của Đà Lạt và lẫn nhau. Cạnh đó là xây dựng cơ chế đặc thù áp dụng chung cho Đà Lạt và các đô thị vệ tinh.
Theo đồ án, đến năm 2030 Đà Lạt trở thành một đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế gồm sáu đô thị vệ tinh lấy Đà Lạt hiện hữu là trung tâm, các đô thị còn lại đảm nhiệm các chức năng như trung tâm thương mại, vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng du lịch sinh thái… Đà Lạt tương lai được quy hoạch hội tụ các yếu tố để liên kết phát triển cùng các tỉnh Đông Nam bộ và duyên hải miền Trung.
Tại buổi công bố, một vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển các công trình kiến trúc cổ trong quá trình triển khai quy hoạch đã được đặt ra. Ông Tâm giải thích một trục di sản sẽ hình thành dọc con đường Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương để dễ dàng quản lý và sử dụng hợp lý. Trục di sản này sẽ trở điểm kết nối các không gian khác của Đà Lạt trong tương lai như nhà hàng, khách sạn, công viên cây xanh. Ông Tâm cho rằng sau khi quy hoạch được công bố, tỉnh Lâm Đồng sẽ mời các chuyên gia từ Pháp chuyên về bảo tồn kiến trúc cổ của Pháp để giúp Đà Lạt.
Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Ths KTS Thierry Huau và nhóm chuyên gia quy hoạch tại Pháp thực hiện với sự phản biện của các cơ quan chuyên môn quy hoạch trong nước. Tại chương trình công bố, ông Thierry Huau cũng nhấn mạnh về việc hình thành trục di sản tại Đà Lạt hiện hữu và tương lai. Ông nói: “Trên nền của quy hoạch, chúng ta sẽ thiết kế lại không gian của trục di sản từng bước một, làm sao đảm bảo tính kết nối với các không gian công cộng khác”.
Ông Thierry Huau cho rằng cần cải tạo không gian xung quanh khu vực chợ Đà Lạt và khu Hòa Bình. Ông nói: “Đây là cơ hội để thay đổi hình ảnh cũ kỹ của khu vực này, biến khu vực này trở thành điểm kết nối quan trọng với các khu phố xung quanh”.
Về quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, ông Thierry Huau góp ý cần nhìn nhận sản lượng sẽ thấp xuống nhưng chất lượng cao lên và đổi lại chúng ta sẽ có một Đà Lạt phát triển đúng tầm.
Ông nói: “Tầm nhìn đẹp hướng về Lang Biang đang bị chắn bởi các khu nông nghiệp với hàng loạt nhà lưới, nhà kính. Chúng ta cần nhìn lại về việc phát triển nông nghiệp trong lòng đô thị. Đà Lạt tương lai phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, cải tạo đất đai đã bị ô nhiễm. Tái tạo những thung lũng nhà kính thành những thung lũng hoa, thung lũng nông nghiệp xanh. Chúng ta sẽ lấy một thung lũng nào đó để thí điểm mô hình mẫu trước khi tiến hành đại trà điều này".
Bà Phan Thị Mỹ Linh, thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng hiện nay hình ảnh rừng trong thành phố bị tổn hại bởi công tác quản lý quy hoạch không hợp lý. Sắp tới việc triển khai đồ án quy hoạch mở rộng, sau khi có cơ chế đặc thù cần siết chặt công tác quản lý đất đai và xây dựng để cải tạo hình ảnh thành phố trong rừng - rừng trong thành phố.
Ngay sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng công bố điều chỉnh quy hoạch, các địa phương nằm trong vùng quy hoạch gồm TP Đà Lạt, các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà sẽ tiến hành công bố và trưng bày đồ án quy hoạch để người dân tham quan. Trước khi trình Chính phủ phê duyệt, đồ án này được đưa qua Pháp để các chuyên gia tư vấn, đánh giá tính khả thi.
Nguồn Tuổi trẻ