Điện than: Đầu tư vào ngõ cụt
Trái với cảm giác háo hức ban đầu, đường từ cảng cá Phước Thể ra Cù Lao Câu làm người viết không khỏi thất vọng, pha chút bàng hoàng, khi nhìn qua lớp tàu đáy kính là những bãi san hô bạc trắng. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, cho biết san hô là loài nhạy cảm với môi trường tự nhiên, nước chỉ tăng 1-2 độ C là san hô bị chết ngay mà không thể phục hồi, đồng nghĩa với cá và sinh vật biển mất nơi cư ngụ.
Chưa có nghiên cứu cụ thể rằng cụm ống khói bên kia bờ biển của Khu nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có phải là nguyên nhân biến nơi này thành “nghĩa địa san hô” hay không, chỉ biết từ ngày dự án thành lập, nhiều hộ ngư dân không còn đi biển vì sản lượng đánh bắt giảm; không ít người phải di chuyển chỗ ở vì khói bụi dày đặc và ô nhiễm nước ngầm sinh hoạt.
Ô nhiễm không khí từ việc đốt than, ô nhiễm nước biển do hệ thống làm mát thải ra là những “đặc sản” không thể tránh khỏi của bất kỳ dự án nhiệt điện than nào, dù công nghệ tân tiến đến đâu. Trong khi đó, nhiệt điện than lại được cho là hướng đi tất yếu. Lý do được đưa ra: thủy điện đã khai thác gần như cạn kiệt, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng không đáng kể, phát triển ì ạch vì giá thành cao. Ngành năng lượng Việt Nam dường như đi vào vòng luẩn quẩn khi dấn sâu vào vết xe đổ mà nhiều quốc gia đang cố thoát ra.
Nhiệt điện than trên thế giới thoái trào
Sau một thập niên bùng nổ, nhiệt điện than đã đến hồi thoái trào, ngay cả tại hai thị trường tiêu thụ điện than lớn nhất toàn cầu là Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhà máy nhiệt điện than bị đóng cửa với một tốc độ chưa từng có. Tháng trước, Bắc Kinh đã đóng cửa tổ máy nhiệt điện than cuối cùng và khởi công xây dựng 4 nhà máy nhiệt điện khí, như một phần nỗ lực cải thiện chất lượng không khí ô nhiễm gây chết 400.000 người mỗi năm.
Tại Việt Nam, nhiệt điện than vẫn được xem là hướng đi tương lai bất chấp những nguy cơ hủy hoại môi trường và mất an ninh năng lượng khi phụ thuộc vào nguyên liệu than đá nhập khẩu. Ngành năng lượng này vẫn chiếm tỉ lệ cao thứ nhì (32,8%) trong tổng cơ cấu điện của Việt Nam và dự kiến sẽ có thêm 40 nhà máy đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VII.
Gần đây, hai nhà máy nhiệt điện than với tổng vốn đầu tư 5,8 tỉ USD được đề xuất xây tại Long An tạo nên làn sóng phản đối khi đem đến những nguy hại cận kề cho TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Khu vực này dự báo sẽ đón những đợt bụi mịn được gió khuếch tán, sương mù khô, mưa axit và nâng tổng số người chết do ô nhiễm không khí (vốn cao gấp 10 lần so với tai nạn giao thông) lên nhiều lần.
Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, Indonesia, Việt Nam và Myanmar sẽ là những nước bị ảnh hưởng nặng nhất trong khu vực Đông Nam Á khi đặt nhiệt điện than là trọng tâm phát triển năng lượng. Nghiên cứu ước tính 4.300 người chết yểu mỗi năm do ô nhiễm không khí tại Việt Nam vào năm 2011 và con số này sẽ tăng 5 lần nếu các nhà máy nhiệt điện than được xây dựng đến năm 2030. Đó là chưa kể đến hậu quả du lịch, nông nghiệp.
Xét về bài toán kinh tế, điện than được cho là rẻ hơn so với các hình thức khác. Trao đổi với NCĐT, một số chuyên gia cho rằng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng hóa thạch chưa tính các chi phí ngoại biên liên quan đến thiệt hại môi trường, sức khỏe con người, sinh kế bị ảnh hưởng vào giá thành sản xuất. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cứ mỗi phút ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch lại nhận được 10 triệu USD tiền trợ giá.
Làn sóng mới trong đầu tư năng lượng
Tại nhiều nước, tiếng nói người dân đã gây áp lực buộc các công ty, tổ chức, chính phủ thoái vốn khỏi năng lượng hóa thạch. 719 tổ chức thuộc 76 quốc gia đã cam kết thoái 5.500 tỉ USD liên quan đến năng lượng hóa thạch. Một nghiên cứu gần đây của Green ID đưa ra một lý do khác để các nhà đầu tư cẩn trọng hơn với năng lượng hóa thạch, nhất là nhiệt điện than. Theo nghiên cứu này, tổng đầu tư vào nhiệt điện than Việt Nam ước tính hơn 40 tỉ USD, trong đó 51% từ các chủ đầu tư nước ngoài và tổ chức tài chính quốc tế, chiếm một nửa là từ Trung Quốc.
Các khoản cho vay của Trung Quốc thường đi kèm các hợp đồng thiết kế, mua sắm thiết bị và xây dựng (EPC). Theo bà Nguyễn Thị Hằng, chuyên viên của Green ID, động cơ cấp vốn của Trung Quốc nhằm giải quyết tình trạng dư thừa công suất nhiệt điện than trong nước và các khoản đầu tư sẽ mở đường cho các dự án cơ sở hạ tầng đi kèm. Quy hoạch điện VII của Việt Nam cần 46 tỉ USD. Nguồn vốn từ các chủ đầu tư nước ngoài sẽ làm giảm áp lực về vay nợ song lại đặt ra thách thức về quản lý cho nước ta.
Theo bà Hằng, tỉ lệ thắng thầu của các nhà thầu Trung Quốc thường rất cạnh tranh vì lợi thế thiết bị, nhân công giá rẻ, được ưu đãi về thuế và vay lãi suất thấp từ các ngân hàng chính sách. Ví dụ như hợp phần về thiết kế, cung cấp thiết bị, nguyên liệu trong gói thầu nhiệt điện than, các công ty Trung Quốc được miễn thuế. Chính phủ nước này cũng đã thỏa thuận với 99 quốc gia, vùng lãnh thổ tránh đánh thuế chồng cho các công ty của Trung Quốc khi kinh doanh ở nước ngoài. Đó là chưa nói đến việc công nghệ lạc hậu, máy móc đã qua sử dụng của các dự án nhiệt điện đóng cửa tại Trung Quốc sẽ chảy về đâu nếu không phải là những quốc gia láng giềng.
Trong xu hướng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, 100 tập đoàn hàng đầu thế giới cam kết sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch vào năm 2030. Nếu muốn thu hút nguồn vốn FDI, giờ đây không chỉ nhân công giá rẻ, môi trường kinh doanh, mà khả năng cung cấp nguồn điện sạch cho sản xuất dần trở thành một yêu cầu bắt buộc mà Việt Nam phải hòa vào cuộc chơi.
Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, những nước từng chung thủy với điện than, giờ đã cam kết đầu tư 156 tỉ USD vào các nguồn năng lượng sạch, cao hơn mức đầu tư của tất cả các nước giàu trên thế giới là 130 tỉ USD. Nếu vẫn muốn đầu tư vào điện than hay các ngành năng lượng cũ kỹ, nhà đầu tư nên cẩn trọng! Thay vào đó có thể quan tâm đến năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, thủy điện nhỏ, những ngành năng lượng lợi thế của Việt Nam đang dần được xem là nền móng cho một tương lai bền vững.
Lan Anh