Ảnh: vnexpress.net
Điện mặt trời: Sau hiệu quả, lo rủi ro
Bùng nổ điện mặt trời, những dự án lớn sắp phát điện là chính sách tích cực và phù hợp với trào lưu phát triển của đất nước, song việc ồ ạt đầu tư nhiều khả năng sẽ mang lại rủi ro tài chính cho doanh nghiệp.
Cú hích hấp dẫn
Một điểm nhấn mới tại Hồ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu, Tây Ninh) là cánh đồng điện mặt trời khổng lồ. Tại đây, các cán bộ dự án tất bật với các hạng mục thi công, từng giàn nâng pin mặt trời cao khoảng 2,5m được dựng lên đều đặn. Dự án được xây dựng trên 720ha đất bán ngập với tổng công suất 500MW, sau 9 tháng thi công gấp rút, đã hoàn thành hơn 98% tiến độ.
► EVN sẽ hết độc quyền bán điện vào năm 2021?
“Yếu tố chúng tôi quyết định chọn vị trí dự án ở khu vực này là khả năng đấu nối và truyền tải toàn bộ công suất của dự án lên đường dây quốc gia. Hiện nay, tổng công suất của 3 nhà máy là 500MW, chúng tôi có thể truyền tải toàn bộ”, ông Phạm Văn Tin, Giám đốc Dự án, chia sẻ.
Sau gần 2 năm kể từ khi Quyết định của Thủ tướng được ban hành, lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Nhiều dự án đã được triển khai tại các địa phương có nhiều tiềm năng về điện mặt trời như Ninh Thuận, Tây Ninh, Long An... Những dự án tiêu biểu có thể kể đến dự án của Tập đoàn BIM Group và AC Energy tại Ninh Thuận, dự án Solar 1 của Công ty Cổ phần BP Solar với công suất 46MWp, dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (Tây Ninh) hoặc dự án Euro Plast tại Long An với công suất 50MW.
So sánh với giá điện bán lẻ bình quân, sau khi điều chỉnh 8,36%, là 1.864,44 đồng/kWh, có thể dễ dàng tính toán được lợi nhuận mà điện mặt trời hòa lưới điện mang đến cho doanh nghiệp. “Dự kiến nếu sản lượng phát lên lưới là 70-80 triệu kWh/năm, sẽ mang về doanh thu cho dự án khoảng 160 tỉ đồng/năm”, một chủ đầu tư tính toán.
Theo quy định hiện hành, thời gian có hiệu lực của việc thu mua điện với giá ưu đãi từ 1.6.2017 đến 30.6.2019. Vì thế, ngày 30.6 sắp đến trở thành lúc mà tất cả nhà máy chạy nước rút cho kịp tiến độ hòa lưới. Số lượng nhà máy đóng điện, hòa lưới vì thế cũng đạt con số kỷ lục. “Kế hoạch về cung cấp tiến độ dự kiến các dự án điện mặt trời đóng điện lần đầu trong tháng 4, 5, 6 là 88 nhà máy điện”, ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), chia sẻ.
► Nghịch lý EVN: Vỏ lời, ruột lỗ
Theo ông Ninh, ngày 23.4, trên hệ thống mới vận hành 4 nhà máy có tổng công suất nhỏ hơn 150MW, nhưng chỉ gần 1 tháng sau đã đóng điện cho 27 nhà máy, tăng lên 1.300-1.400MW. Trên cơ sở đó, xu hướng về đầu tư điện năng bền vững trở thành chiến lược trọng điểm của nhiều doanh nghiệp, góp phần hạn chế việc sử dụng các nguồn năng lượng như đá phiến, than gây ô nhiễm môi trường.
Có rủi ro không?
Doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời sẽ hưởng ưu đãi vốn vay tại nhiều ngân hàng. Chẳng hạn, HDBank cho vay với tỉ lệ 70%, thời hạn vay 5 năm. Tài sản đảm bảo chính là hệ thống điện mặt trời với mức tài trợ lên đến 10 tỉ đồng. Trước những cơ chế ưu đãi lớn về mặt chính sách, cũng như lợi nhuận thu về khả quan từ các dự án điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp đang ngấp nghé ý định vay vốn ngân hàng để đầu tư vào mảng năng lượng tự nhiên bền vững này.
Trong khi đó, sức tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế hiện rất lớn, nhiều khả năng sẽ đối diện nguy cơ thiếu điện vào những năm 2020. Đơn cử, ngành điện phải đảm bảo sản xuất 265-278 tỉ kWh vào năm 2020 và khoảng 572-632 tỉ kWh vào năm 2030. Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết, tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn hoặc kéo dài đến năm 2025 trong các kịch bản như phụ tải tăng trưởng cao hoặc lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm.
Vì vậy, đầu tư điện mặt trời là xu thế được đảm bảo về nhu cầu trong dài hạn. Thực tế, một số công ty đã đầu tư vào điện mặt trời hiện ghi nhận lợi nhuận lớn. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEG) báo cáo doanh thu thuần đạt 174 tỉ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước do ghi nhận trọn vẹn doanh thu từ 2 nhà máy điện mặt trời Phong Điền (Huế) và Krông Pa (Gia Lai). Công ty xác định 2019 sẽ là năm đỉnh cao của điện mặt trời khi dự kiến vận hành thêm 5 nhà máy với tổng công suất là 240MWp, đưa danh mục năng lượng mặt trời hòa lưới lên 7 nhà máy với 358MWp.
Mặc dù vậy, hiệu quả các dự án điện mặt trời mang lại còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khu vực khác nhau sẽ cho công suất và hiệu quả đầu tư khác nhau; cách doanh nghiệp kiểm soát tốt nguồn chi phí đầu tư, phương án sau vận hành... Đáng lưu ý, dự án điện mặt trời thường có vốn đầu tư lớn, vốn vay thường chiếm tỉ lệ cao trong tổng mức đầu tư, lãi suất lớn sẽ làm tăng giá trị hệ số chiết khấu tài chính ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư. Việc mốc ngày 30.6 sắp đến, giá mua điện nhiều khả năng sẽ chênh lệch hơn mức ưu đãi rất nhiều, nên tỉ suất sinh lợi để trả vốn và lãi vay ngân hàng là nguy cơ tài chính mà doanh nghiệp phải cân nhắc.
Ngoài ra, do muốn thu về lợi nhuận cao, nhiều nhà đầu tư đã xin làm điện mặt trời, từ đó dẫn đến quy hoạch điện mặt trời có nguy cơ bị phá vỡ. Thực tế, theo Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 8.2018, đã có 121 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất dự kiến phát điện trước năm 2020 là 6.100MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 14.330MW.
Công suất này đã vượt nhiều lần so với quy hoạch điện VII điều chỉnh mà Thủ tướng phê duyệt. Chưa kể, phụ lục hợp đồng thường có điều kiện EVN được nhả tải một khi lưới điện quá tải, đồng nghĩa với việc mua điện là quyền của EVN. Nếu điện doanh nghiệp không bán được, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ nhận lấy mọi rủi ro