Nguồn ảnh: VES

 
Trang Lê Thứ Hai | 30/09/2019 17:39

Điện mặt trời một giá: Chủ đầu tư nói gì?

Với chính sách một vùng giá, giá điện mặt trời có thể giảm khoảng 32%. Vậy các nhà đầu tư nhìn nhận ra sao?

Giảm sức hấp dẫn

Trong dự thảo quyết định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp dụng sau ngày 30/6, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt phương án một giá điện cho tất cả các vùng, thay vì chia 2 hoặc 4 vùng như các đề xuất trước. 

Theo tờ trình của Bộ Công Thương, biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện được quy định như sau: Dự án điện mặt trời mặt đất có giá 1.620 đồng/KWh, tương đương 7,09 cent/KWh; điện mặt trời nổi 1.758 đồng/KWh, tương đương 7,69 cent/KWh và điện mặt trời áp mái 2.156 đồng/KWh, tương đương 9,35 cent/KWh. Trong khi đó, theo phương án chia 4 vùng được đề xuất trước đây, giá điện mặt trời mặt đất cao nhất có thể lên 2.100 đồng/KWh, điện mặt trời nổi cao nhất 2.280 đồng/KWh. Chỉ riêng giá điện mặt trời áp mái được giữ nguyên mức 2.156 đồng/KWh như tại dự thảo cũ. Các mức giá này kéo dài đến hết năm 2021. So với giá điện mặt trời được áp dụng trước ngày 30/6, giá mới giảm hơn 500 đồng mỗi kWh, khoảng 32%.

Ngày 25/9, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất, kiến nghị về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần thực hiện giá mua điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng (2-4 vùng) thay cho giá mua điện chung trong cả nước, tránh tình trạng mất cân đối, nơi thì tập trung nhiều dự án, nơi không có doanh nghiệp đầu tư, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.

Ông Trần Viết Ngãi chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ, cường độ bức xạ của Việt nam thay đổi theo vùng. Miền Bắc có mức bức xạ thấp (khoảng 3,7 kwh/mét vuông/ngày, trong khi các tỉnh phía Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lại cao gấp 1,4 lần, 4-8-5,1kwh/mét vuông/ngày. Điều này dẫn đến các dự án điện mặt trời nối lưới đang phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống. Cho nên việc áp dụng một giá chung cho điện mặt trời là không nên.

Một nhà đầu tư điện mặt trời tại TP.HCM cũng nêu quan điểm về việc áp dụng một giá cho tất cả các vùng. Theo ông, tình cảnh quá tải lưới điện sẽ lại tái diễn khi các dự án bùng nổ tại vùng bức xạ tốt. "Giá mua mỗi kWh điện mặt trời mặt đất giảm hơn 500 đồng so với trước, lại cào bằng cho tất cả các vùng bức xạ thì không hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là khu vực miền Bắc, Trung", nhà đầu tư này nói.

Nhưng không khiến hoạt động đầu tư đi xuống...

Với tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn, khung chính sách cho hoạt động đầu tư dần được hoàn thiện, Việt Nam trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất khu vực Ðông Nam Á, theo nhận định của WWF Việt Nam.

Trong bối cảnh này, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tích cực chảy vào thị trường năng lượng tái tạo Việt, nhất là điện mặt trời trong khoảng 1 năm qua, nhờ lực đẩy từ chính sách thu mua giá điện ở mức cao.

Năm 2018, 3.466 MW năng lượng tái tạo đã được lắp đặt. Ðến hết ngày 30/6/2019, cả nước có 87 nhà máy điện mặt trời được đóng điện với công suất gần 4.500 MW, kịp thời được hưởng mức giá ưu đãi 9,35 cents/kWh.

Tiến độ đưa vào vận hành của điện mặt trời tăng đột biến trong quý II/2019. Nguồn ảnh:tnck
Tiến độ đưa vào vận hành của điện mặt trời tăng đột biến trong quý II/2019. Nguồn ảnh:tnck

Chia sẻ với NCĐT,  ông Nguyễn Hoàng Thuận, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Thương mại Tư vấn Hệ thống điện Nam Thiên Việt cho biết, công ty ông không ảnh hưởng về vấn đề khung giá mới. Công ty này đã đầu tư xây dựng các dự án diện mặt trời từ trước thời điểm 30/6/2019. Cũng theo ông Thuận, về cơ bản, mức giá bán điện tại các dự án điện mặt trời phụ thuộc chủ yếu vào cường độ bức xạ, bởi chi phí đầu tư vào các nhà máy năng lượng mặt trời trên cả nước không có chênh lệch lớn.

Trong trường hợp áp dụng một giá mua điện mặt trời trên cả nước, các nhà đầu tư, phát triển năng lượng điện mặt trời sẽ chỉ chú trọng đầu tư dự án tại các khu vực có cường độ bức xạ lớn. Nhưng, hiện tại, mức giá mua điện mặt trời của Việt Nam vẫn tương đối, do đó, khi điều chỉnh giá xuống, sức hút tuy có giảm sút nhưng có thể không khiến hoạt động đầu tư đi xuống, ông Thuận cho biết.

Nhiều khả năng sẽ giữ nguyên phương án một giá

Cuộc họp quyết định cơ chế ưu đãi cho điện mặt trời dự kiến tổ chức ngày 28-9 đã hoãn và chưa rõ thời điểm sẽ diễn ra. Nhiều thông tin cho thấy mặc dù phương án một giá chung cho điện mặt trời gây bất ngờ lớn do đi ngược lại với các đề xuất trước đây nhưng nhiều khả năng sẽ được giữ nguyên. Tuy nhiên, giá cố định có thể được điều chỉnh để phù hợp hơn.

Cách mạng năng lượng mặt trời: Thành công của Trung Quốc và bài học cho ASEAN

Năng lượng mặt trời: Cờ đã đến tay