Dự kiến gía điện sẽ giảm từ mức 8,38 cent/kWh xuống chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh . Ảnh: dautu.

 
Mai Châu Thứ Năm | 11/03/2021 16:53

Điện mặt trời còn tiềm năng để đầu tư?

Sau thời gian gặp nhiều vấn đề về chính sách cũng như tình trạng dư thừa, điện mặt trời tiếp tục bị siết về giá.

Tiếp tục giảm giá

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo cơ chế giá điện mặt trời áp mái mới, thay thế cho mức giá đang được quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg đã hết hiệu lực từ 31.12.2020. Cụ thể, dự kiến từ mức 8,38 cent/kWh (theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg), giá điện mặt trời áp mái sẽ giảm xuống chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh (tương đương giảm gần 30%) với từng loại công suất dự án, thay vì áp dụng "đồng giá" như trước.

Mức giá của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng lớn giá sẽ càng thấp, khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu nhà công nghiệp.

Đáng chú ý, dự thảo cũng quy định tỷ lệ tự dùng của các dự án này. Các bên mua lại điện từ các dự án cũng chỉ được phép mua một phần nhất định sản lượng điện phát, còn lại phía nhà sản xuất phải cam kết sử dụng. Dự kiến, dự thảo này sẽ trình Chính phủ trong tháng 3.2021.

Ảnh:nhandan.
Tình trạng dư thừa điện đã tồn tại do các nguồn tái tạo phát triển một cách ồ ạt trong năm 2020. Ảnh:nhandan.

Trước đó, tình trạng dư thừa điện đã tồn tại do các nguồn tái tạo phát triển một cách ồ ạt trong năm 2020. Tính đến hết 31.12.2020, theo EVN, đã có tới 101.029 công trình điện mặt trời áp mái được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt gần 9.300 MWp (công suất phát trong điều kiện tối ưu).

BloombergNEF nhận định: "Con số hơn 9 GW này cao gần gấp 3 lần dự báo của BNEF ​​cho Việt Nam hồi đầu năm. Điều này cũng đưa Việt Nam trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ ba thế giới".

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỉ kWh năng lượng tái tạo do sự tăng trưởng đột biến, thay vì con số 365 triệu kWh như trong năm 2020 (gấp 3,56 lần). Trong đó, có hơn 500 triệu kWh do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500KV.

Thêm nhà đầu tư mới

Sau nhà đầu tư Thái thì gần đây, nhà đấu tư Malaysia mới tham gia thị trường điện mặt trời. Theo thông tin trên trang Nikkei Asia Review, Công ty năng lượng tái tạo TNB Renewables trực thuộc Tập đoàn Điện lực quốc gia Malaysia TNB dự kiến mua lại 39% cổ phần trong 5 dự án điện mặt trời áp mái của nhà cung ứng điện mặt trời hàng đầu Singapore - Sunseap Group tại Việt Nam. Theo bài báo, 5 dự án trong thỏa thuận này đặt tại miền Nam Việt Nam, có tổng công suất 21,6 MW và hoàn thành vào tháng 12.2020.

Tập đoàn Sunseap hiện nắm giữ 90% cổ phần trong 5 dự án này. Sau khi hoàn tất việc mua lại vào quý 1 năm nay, Sunseap sẽ sở hữu 51%, trong khi Sun Times Energy JSC, một cổ đông hiện hữu, sẽ tiếp tục nắm giữ 10% vốn chủ sở hữu.

Ảnh:TL.
năm 2020, công ty đầu tư nhà nước Temasek Holdings của Singapore và ABC World Asia đầu tư 50 triệu đô la Singapore. Ảnh:TL.

Ông Frank Phuan, Giám đốc điều hành của Sunseap, cho biết: “Giao dịch này đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ đối tác với TNB, mở đường cho mối quan hệ kinh doanh lâu dài giữa Sunseap và công ty tiện ích hàng đầu của Malaysia, và sự mở rộng của TNB vào ngành năng lượng mặt trời trong khu vực”.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của TNB, ông Datuk Bahrain Din, cho biết thương vụ mua lại này sẽ đóng vai trò quan trọng giúp TNB thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam và mở rộng sang thị trường năng lượng tái tạo và tiện ích đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 2.3, đại điện 2 tập đoàn Sunseap và Tenaga đã công bố kế hoạch thành lập một liên doanh để tham gia đấu thầu thử nghiệm kéo dài 2 năm của chính phủ Singapore để nhập khẩu 100 MW điện từ Malaysia. Sunseap hiện đang có nhiều dự án đầu tư lớn ở Singapore, Úc, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và Campuchia.

Ảnh: socongthuongquangbinh.
Các hoạt động mua bán sáp nhập trong lĩnh vực tái tạo năng lượng đã trở nên khá sôi động từ cuối năm 2018. Ảnh: socongthuongquangbinh.

Theo bài báo, năm 2020, công ty đầu tư nhà nước Temasek Holdings của Singapore và ABC World Asia, một quỹ đầu tư tư nhân có tác động tập trung vào châu Á, đã đầu tư 50 triệu đô la Singapore (36,8 triệu USD) vào Sunseap. Năm 2019, công ty đã hoàn thành dự án trang trại năng lượng mặt trời tại Việt Nam trị giá 150 triệu USD, một trong những trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước.

Trong khi đó, TNB có mặt ở Anh, Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Pakistan, Ấn Độ và Indonesia. TNB hy vọng sẽ nâng công suất sản xuất năng lượng tái tạo lên 8,3 GW vào năm 2025.

Các hoạt động mua bán sáp nhập trong lĩnh vực tái tạo năng lượng đã trở nên khá sôi động từ cuối năm 2018. Lý do là, giá mua điện của các dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 30.6.2019 theo Quyết định 11/2017 tương đương 9,35 cent/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện đến các hộ tiêu thụ hiện ở mức bình quân 8 cent/kWh. Trong các nhà đầu tư ngoại đang đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, nhà đầu tư đến từ Thái Lan chiếm số lớn dự án. 

► Điện mặt trời mái nhà: Tiềm năng ở đâu?