Ảnh: noithatmagazine.vn
Điện mặt trời: 1 vốn, 4 lời
12g trưa, khi nhiệt độ lên đến gần 37 độ C, nguồn năng lượng Mặt trời lắp trên mái nhà đang giúp chiếc quạt gió của gia đình anh Hoàng Long (Huyện Nhà Bè, TP.HCM) phát huy hết giá trị. Với 16kWp điện năng lượng Mặt trời thu được mỗi ngày, các thiết bị khác của gia đình anh Long như quạt, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt... chạy ổn định giống như khi sử dụng nguồn điện trước đây.
Biết đến điện năng lượng Mặt trời từ vài năm trước, nhưng đến khi nhu cầu sử dụng điện tăng quá nhiều, anh Long mới quyết định lắp hệ thống điện mới này. “Gia đình tôi thường xuyên sử dụng điện vượt mức đến 40% và hầu như tháng nào cũng phải chi thêm tiền cước do lũy kế”, anh Long chia sẻ.
Ba tháng trước, anh Long quyết định lắp hệ thống điện Mặt trời áp mái với ý định dùng thử. Tuy nhiên, sau 3 tháng sử dụng, gia đình anh không phải “đóng phạt” mà còn tiết kiệm được 30% chi phí điện so với trước. Thông qua một app được cài trên smartphone, hằng ngày, anh có thể theo dõi chi tiết từng thời điểm điện được sản xuất cụ thể là bao nhiêu. Hệ thống sẽ tự chuyển đổi để lấy nguồn điện từ công ty điện lực. Hệ thống gần như tự tích hợp hoàn toàn và khá dễ sử dụng. “Sắp tới, tôi sẽ đầu tư nâng thêm công suất để bán điện nhiều hơn nữa...”, anh Long cho biết.
Theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), tính đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 1.432 công trình lắp đặt điện Mặt trời áp mái, công suất lắp là 17,46MWp. Giải pháp sử dụng điện Mặt trời đang được Nhà nước khuyến khích để giảm tải nguồn điện quốc gia và giảm tình trạng thiếu hụt điện trong thời gian tới.
Nhiều trung tâm hành chính và hộ gia đình tại các tỉnh thành khác như Bình Phước, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Bình Dương, Quảng Trị, Gia Lai... cũng đang tích cực sử dụng điện Mặt trời trong sinh hoạt và sản xuất. Thậm chí, khu vực miền Tây cũng gia tăng sử dụng điện Mặt trời như Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp...
Chi phí lắp đặt điện Mặt trời cũng giảm so với trước đây. Để tạo ra 1 kWp/h trung bình chi phí lắp đặt từ 21-25 triệu đồng. Với sản lượng 4 kWp/h (phù hợp cho một hộ gia đình), anh Long phải bỏ ra 84 triệu đồng để lắp đặt trọn gói một hệ thống với 12 tấm pin năng lượng Mặt trời xuất xứ Hàn Quốc và bộ chuyển đổi điện 1 chiều sang 2 chiều (Inverter) từ Trung Quốc, cùng dây dẫn, hệ thống giàn khung, đồng hồ...
Theo ông Nguyễn Hoàng Thuận, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Thương mại Tư vấn Hệ thống điện Nam Thiên Việt, trung bình 1 ngày chỉ có 4,1 giờ cho ra điện (tính cả ngày mưa và ngày nắng). Vì thế, với 4 kWp/h, trung bình 1 ngày, nhà anh Long thu được 16,4kWp; bình quân 1 tháng tiết kiệm được 1.328.400 đồng tiền điện.
Tính theo mức trung bình giá điện là 2.700 đồng và vốn đầu tư 84 triệu đồng, thì sau 5,27 năm anh Long sẽ hòa vốn. Nếu giá điện càng tăng thì thời gian hòa vốn càng giảm xuống. Như vậy, với vòng đời sử dụng một hệ thống điện năng lượng Mặt trời trung bình 25 năm thì gia đình anh Long sẽ được sử dụng điện miễn phí tới 20 năm sau đó.
Tính bài toán đầu tư lớn hơn là hệ thống điện Mặt trời trên mái nhà xưởng gần 1.500m² có chi phí hơn 4,2 tỉ đồng với phương án vay ngân hàng 70%. Theo đó, mỗi năm trả 320 triệu đồng tiền lãi, trong khi đó bình quân khoản tiền tiết kiệm được từ điện Mặt trời là 720 triệu đồng. Tính ra mỗi năm vẫn dư gần 400 triệu đồng.
Theo con số thống kê của ngành điện, nhu cầu sử dụng điện tăng tới 16-17%/năm, ngành điện đang đứng trước tình trạng không đáp ứng đủ nhu cầu và có thể sẽ thiếu điện vào năm 2020. Khi đó, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, bình quân đầu người phải đạt trên 2.000 kWh/người/năm, gấp 4 lần hiện nay.
Vì thế, nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện Mặt trời, bắt đầu từ tháng 5.2019, những hộ dân sử dụng điện Mặt trời sẽ được ngành điện mua lại với giá 2.134 đồng/kWh cho năm 2019. Từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện tính theo sự chênh lệch tỉ giá từng năm cụ thể. EVN HCMC cho biết, việc thanh toán tiền điện cho người lắp đặt điện Mặt trời thông qua hình thức chuyển khoản hằng tháng.
Theo EVN HCMC, đến nay, lượng điện phát lên lưới đạt hơn 4,2 triệu kWh. Nếu nhân với đơn giá năm 2019 là 2.134 đồng/kWh, số tiền ngành điện phải trả cho khách hàng gần 9 tỉ đồng. Mức giá mua bán điện cũng được tính khác nhau cho từng thời điểm lắp hệ thống. Chẳng hạn, dự án vận hành trước ngày 1.1.2018 có giá mua điện là 2.086 đồng/kWh, trong năm 2018 giá mua điện là 2.096 đồng/kWh; năm 2019 là 2.134 đồng/kWh.
“Công việc đã tăng gấp 10 lần kể từ một tháng nay, tôi chạy không kịp thở!”, ông Hoàng Thuận, Giám đốc Điều hành Công ty Nam Thiên Việt, chia sẻ. Tuy nhiên, thực tế, nhiều hộ dân còn hơi ngần ngại vì chi phí lắp đặt khá cao. Khách hàng đầu tiên của Nam Thiên Việt chỉ có khoảng 35 triệu đồng nhưng vì muốn lắp một hệ thống pin Mặt trời trị giá gần 80 triệu đồng. Ông Thuận đã liên kết với 2 công ty khác để khách hàng này trả trước 35 triệu đồng và trả góp 3 triệu đồng/tháng. “Nhiều ngân hàng cũng đang tham gia chương trình hỗ trợ cho vay vì thấy được tiềm năng của thị truờng này”, ông Thuận cho biết.
Ngoài ra, các công ty có thể liên kết với Công ty Cổ phần Năng lượng điện Mặt trời Việt Nam (SPUC) triển khai loại hình kinh doanh ESCO. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ bỏ toàn bộ chi phí đầu tư điện Mặt trời tại các trụ sở công ty, doanh nghiệp và bán điện sản xuất được từ hệ thống đó cho chính công ty, doanh nghiệp với giá rẻ hơn giá của EVN