Dự án điện gió Đầm Nại, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: thebluecircle.sg
Điện gió đổi chiều
Mới đây, Tập đoàn Trung Nam đã quyết định chuyển nhượng 49% cổ phần tại dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW cho đối tác ACIT. Cùng thời điểm, Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE), thuộc Tập đoàn Hitachi (Nhật) sở hữu 35,1% cổ phần tại Nhà máy điện gió Trung Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư tương đương 4.000 tỉ đồng, công suất 151,95 MW, thời gian khai thác 2.785 giờ/năm, sản lượng dự kiến 432.000.000 kWh/năm.
Ảnh: baochinhphu.vn |
Cùng với Trung Nam, thời gian qua, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã mua lại cổ phần chi phối của nhiều dự án điện gió tại Việt Nam. Đáng chú ý, Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) đã mua phần lớn cổ phần tại các công ty SSE Việt Nam 1, SSEBP3, SSE LN2, Điện mặt trời Thịnh Long Phú Yên, Điện mặt trời Văn Giáo, Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu, ASIA Energy, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Năng lượng Everich Bình Thuận... Không chỉ nhà đầu tư Thái Lan, các đối tác từ Ả Rập Saudi, Philippines, Nhật cũng tăng sở hữu cổ phần chi phối tại nhiều dự án điện tái tạo Việt Nam.
Năng lượng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan đến an ninh năng lượng và ổn định kinh tế xã hội. Vì thế, hiện tượng bán vốn chi phối cho đối tác ngoại cũng khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, nhất là về an ninh năng lượng. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp phát triển dự án để tránh, giảm rủi ro, thời gian và chi phí ở giai đoạn phát triển dự án như đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, Trung ương. Bộ Công Thương cũng bày tỏ quan điểm rằng việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. "Các giao dịch này bản chất là chuyển nhượng cổ phần trong các doanh nghiệp dự án", ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhận định.
Thực tế, dù công suất lắp đặt của điện gió, điện mặt trời lên đến hơn 20.000 MW, chiếm 30% công suất lắp đặt toàn hệ thống, nhưng sản lượng điện từ điện gió cũng chỉ chiếm 12% tổng sản lượng điện. Về cơ bản, nguồn cung hệ thống điện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện. Từ nhiều năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu nhiều dự án điện BOT với công suất hàng ngàn MW, nhưng an ninh năng lượng vẫn được đảm bảo. Thậm chí, mới đây, EVN khuyến cáo nguồn điện gió đưa vào vận hành thời gian tới sẽ đối mặt với tình trạng sản xuất ra không bán được hết, cho nên có thể bị cắt giảm công suất ở mức cao.
Theo World Bank, ở Việt Nam có tiềm năng 475 GW điện gió ngoài khơi tại vùng biển có độ sâu dưới 200 m và tổng công suất các nhà máy điện đang hoạt động của Việt Nam hiện nay là 40 GW. Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể kích thích hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn đầu tư nước ngoài và khởi động một ngành công nghiệp mới năng động trong khi vẫn giúp giảm phát thải, phù hợp với chiến lược thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động sản xuất năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Để phát huy tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Chính phủ đã đặt các mục tiêu rất lớn trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), trong đó, đặt mục tiêu tăng tỉ trọng điện tái tạo lên khoảng 30% vào năm 2030. Riêng công suất điện gió ngoài khơi đạt từ 2-3 GW. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nên tăng công suất lên 10 GW để thu hút các nhà đầu tư mạnh mẽ hơn.
Ông Henri Wasnick, Cố vấn cao cấp về Năng lượng Tái tạo tại Viện Năng lượng, cho biết, điện gió ngoài khơi có tiềm năng đóng vai trò chính yếu trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, đặc biệt trong việc thực hiện các mục tiêu giảm thiểu khí CO2, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội.
Với suất đầu tư từ 2,5-3 tỉ USD/GW điện gió ngoài khơi, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút hàng trăm tỉ USD trong thập niên tới. Về vấn đề này, ông Matthias Bausenwein, Chủ tịch Ørsted khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định: “Việt Nam có nhiều tiềm năng và điều kiện tối ưu để phát triển điện gió ngoài khơi. Chúng tôi đánh giá đây là một thị trường quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và rất hào hứng khi bước chân vào thị trường Việt Nam”.