00:00
    Lam Hồng Thứ Hai | 22/06/2020 14:00

    Điện gió chưa thể phất

    Việt Nam có thể trở thành thị trường mới nổi về điện gió nhưng chỉ khi nhanh chóng loại bỏ được các rào cản hiện hữu.

    Công ty năng lượng tái tạo The Blue Circle và đối tác AC Energy vừa ký thông báo trao thầu cung cấp tua-bin gió thuộc dự án điện gió tại Mũi Né, cho General Electric (GE) Renewable Energy. Chi phí cho dự án dự kiến khoảng 80 triệu USD, được cấp vốn bằng các khoản vay ngân hàng và vốn góp của chủ đầu tư, được lên kế hoạch để đạt chuẩn mức giá bán điện 8,5 cent cho mỗi kWh điện. Đây được đánh giá là dự án điện gió lớn nhất châu Á. Dự án Nhà máy Điện gió với tổng mức đầu tư 16.200 tỉ đồng cũng vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận cho Công ty Điện mặt trời Miền Trung Mk khảo sát, đầu tư và xây dựng tại huyện Kỳ Anh.

    Bước tiến đáng kể
    Ông Jerome Pecresse, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của GE Renewable Energy, nhận định, so sánh với 2 năm trước, Việt Nam đã có một bước tiến đáng kể trong việc phát triển năng lượng mặt trời và gió. 

    Việt Nam đã lắp được 4 gigawatt điện mặt trời. Con số này lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Về tiềm năng điện gió, xét lợi thế về đường bờ biển dài, chất lượng gió, nguồn nhân lực, nguồn vốn có sẵn cũng như vốn đầu tư từ nước ngoài, thì điện gió trên bờ, gần bờ hay ngoài khơi xét về dài hạn, Việt Nam đều có nhiều tiềm năng hơn so với những nước khác trong khu vực. 

    “Là 1 trong 3 nhà sản xuất tua-bin gió hàng đầu thế giới và chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ lọt vào top 3 các nhà sản xuất tua-bin gió lớn nhất tại Việt Nam và cũng hy vọng sẽ là đơn vị dẫn đầu thị trường”, ông Jerome cho biết.

    Đáng chú ý, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành như một giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện. “Hiện nay, ở Việt Nam, năng lượng gió và mặt trời không thể so sánh với các nguồn năng lượng khác. Có thể ban đầu chi phí sẽ hơi cao hơn nhưng về lâu dài, không có lý do gì năng lượng tái tạo sẽ là nguyên nhân khiến giá điện tăng cao”, ông Jerome nhận định.

    Tuy nhiên, việc triển khai các dự án điện gió không được thuận lợi. Nhiều chủ đầu tư điện gió đã đề nghị được giãn tiến độ áp dụng mức giá điện gió 8,5-9,8 cent/kWh thêm 6 tháng đến 1 năm so với thời điểm được quy định là trước ngày 1.11.2021. Bởi vì, do chạy tiến độ để dự án vào trước thời điểm này để nhận chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo (Feed-in Tariff - FIT) nên các doanh nghiệp đầu tư điện gió đã phải chấp nhận thêm các chi phí phát sinh. Chưa kể các khó khăn chưa tính toán hết từ tác động của COVID-19.

    Thời hạn để hưởng mức giá FIT cho điện gió cuối năm 2021 chỉ còn 18 tháng, không đủ để nhà đầu tư triển khai đầu tư các dự án điện gió mới. "Chúng tôi rất cần sau thời điểm đó, giá FIT mới như thế nào, bởi không có mức giá thì doanh nghiệp không có cơ sở để lập dự án đầu tư cho mục tiêu phát điện sau năm 2021”, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận, cho biết.

    Đừng để điện gió lặng gió!
    Tiềm năng phát triển điện gió của Việt Nam có thể lên tới hàng trăm ngàn MW. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công Thương vào tháng 3.2020, trong 4.800 MW đã được bổ sung quy hoạch, mới chỉ có 9 dự án điện gió đi vào vận hành, với quy mô công suất 350 MW. Bởi vậy, nếu được tiếp tục bổ sung các dự án điện gió mới với quy mô 7.000 MW như đề nghị của Bộ Công Thương, thị trường điện gió tại Việt Nam chắc chắn sẽ phải có một cuộc đua nước rút.

     

    Để tránh quá tải lưới truyền tải điện, giải tỏa công suất cho điện gió, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết năm 2020, Tập đoàn sẽ khởi công 218 công trình và hoàn thành 240 công trình lưới điện 110-500 kV. Ngoài ra, Tập đoàn đã tính toán các kịch bản, đẩy nhanh kế hoạch xây dựng, đưa vào vận hành một số đường dây truyền tải như 220 kV Đông Hà - Lao Bảo, Bạc Liêu - Vĩnh Châu... trong quý III hoặc IV/2020.

    Điều đáng nói là ngay trong đề xuất bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch, Bộ Công Thương cũng đề xuất hàng loạt dự án truyền tải điện do EVN thực hiện để đồng bộ giải tỏa công suất điện gió. Tuy nhiên, với thực tế các dự án lưới điện truyền tải thường có thời gian triển khai 2-3 năm và không thể nhanh về thủ tục hành chính như các dự án điện gió của tư nhân, thì câu chuyện dự án điện gió xong mà không có lưới truyền tải có nguy cơ tái diễn. 

    Nếu không quy hoạch kỹ, sẽ gặp tình trạng đầu tư mà không giải tỏa được công suất, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, lãng phí nguồn lực đầu tư. Theo ông Thuận, đặc điểm của các dự án điện gió là suất đầu tư lớn, khoảng 1,8-2 triệu USD/MW, cao gấp đôi suất đầu tư dự án điện mặt trời. Do vậy, rủi ro của các dự án điện gió cũng cao hơn nhiều so với các nguồn khác.

    Giới quan sát cũng nhận định, cơn sốt điện gió mới này không loại trừ sẽ xảy ra tình trạng đăng ký khống quy mô dự án để giữ lưới hoặc để bán lại dự án nếu được giá. Điều này dẫn đến tình trạng công suất ảo. Trong khi đó, các dự án khác lại không vào được quy hoạch do lưới bị chủ đầu tư khác chiếm giữ.

    Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, các kết quả tính toán cho thấy theo danh mục các dự án đăng ký bổ sung quy hoạch và đã bổ sung quy hoạch, từ sau năm 2020, tắc nghẽn của các dự án năng lượng tái tạo vẫn rất cao và với thực trạng hiện nay là không thể giải quyết được. "Nếu không có quy hoạch hợp lý về lưới điện thì giá trị của nguồn điện gió sẽ không được khai thác hiệu quả", Tiến sĩ Sơn nhận định. Đây là thách thức lớn giữa chủ đầu tư, ngành điện và Bộ Công Thương. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng Tổng sơ đồ điện VIII được đưa ra thời gian tới sẽ có điều chỉnh và tiếp cận phù hợp hơn