Thứ Năm | 23/05/2013 07:28

Điểm tên các ngân hàng có nợ xấu từ 3% trở lên

Thủ tướng vừa ký ban hành nghị định về thành lập, tổ chức hoạt động của VAMC, có hiệu lực từ 9/7/2013.
Theo nghị định này, các tổ chức tín dụng (TCTD) có nợ xấu từ 3% trở lên sẽ buộc phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Nếu TCTD rơi vào diện này hoặc có một tỷ lệ nợ xấu khác do Ngân hàng Nhà nước (NHNN( quy định mà không bán nợ xấu cho VAMC thì NHNN sẽ tiến hành thanh tra hoặc yêu cầu TCTD đó phải thuê công ty kiểm toán hoặc tổ chức định giá độc lập đánh giá lại chất lượng và giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó. Khoản chi phí kiểm toán, định giá tất nhiên do TCTD thanh toán.

Dựa trên cơ sở kết quả thanh tra, định giá và kiểm toán độc lập, TCTD phải bán nợ xấu cho VAMC để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của TCTD ở mức an toàn; thực hiện trích lập dự phòng rủi ro và tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN; cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo phương án được NHNN phê duyệt.

Nhìn lại kết quả hoạt động năm 2012, ở nhóm 10 ngân hàng thương mại lớn nhất hầu hết duy trì tỷ lệ nơ xấu ở mức an toàn là dưới 3%. Tuy nhiên vẫn có những ngân hàng có nợ xấu rất cao, điển hình như Agribank với nợ xấu chiếm 5,8% trên tổng dư nợ và con số tuyệt đối là 27.803 tỷ đồng. Nợ xấu của Agribank cũng tương đương với tổng nợ xấu của Vietcombank, BIDV, Vietinbank, SHB và ACB cộng lại.

Ngân hàng SHB năm 2012 có tỷ lệ nợ xấu cũng rất cao, tới 8,53% tương đương 4.844 tỷ đồng do nhà băng này phải gánh thêm nợ xấu sau khi hợp nhất với Habubank.

Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng năm 2012.
Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng năm 2012.

Trong số các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng cũng duy trì ở mức an toàn như KienLongBank với 2,77%; DongABank 2,61%; VietCapitalBank với 1,9%... Song cũng không ít các ngân hàng thuộc diện phải bắt buộc bán nợ chiếu theo quy định của VAMC.

Theo các báo cáo công khai, SCB đang có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong nhóm này, tới 7,2%. Tuy nhiên trường hợp này là ngoại lệ khi mà ngân hàng vừa tiến hành tái cơ cấu được hơn một năm, sau khi tiến hành hợp nhất cùng TinNghiaBank và FicomBank theo chủ trương của NHNN.

Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trong diện buộc phải tái cơ cấu đều khá cao, ví dụ như WesternBank với 6,89% hay Navibank với 5,6%.

Còn trong nhóm các ngân hàng không thuộc diện bắt buộc phải tái cơ cấu thì BaoVietBank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất. Nhà băng này dù chỉ có 400 tỷ đồng nợ xấu song lại chiếm tới 5,94% trên tổng dư nợ. Một trường hợp khác nữa như Ngân hàng Đại Á, tỷ lệ nợ xấu cũng lên tới 4,4%.

Trong quý I/2013, theo báo cáo đã được công bố cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đều cao hơn cuối năm 2012. Đặc biệt, theo kế hoạch kinh doanh năm 2013, nhiều ngân hàng dù nợ xấu ở mức an toàn trong năm trước song lại đặt ra mục tiêu nợ xấu rất cao, như ABBank với kế hoạch 3,54%; SouthernBank 5%...

Nợ xấu của toàn hệ thống đang ở mức cao, và thậm chí còn rất rất cao theo như đánh giá của các tổ chức quốc tế (hai chữ số). Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng, vấn đề của hệ thống ngân hàng hiện nay không phải là làm sao để kích tín dụng mà là phải giải quyết tốt nợ xấu. Nợ xấu được giải quyết càng nhanh thì càng sớm lấy lại niềm tin cho thị trường và sẽ khơi thông được dòng vốn, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Nguồn CafeF


Sự kiện