Theo ADB, cân đối ngân sách của Việt Nam ổn định, thu ngân sách tăng trưởng 19,4% do thu từ xuất khẩu dầu và thu nói chung tăng lên. Ảnh: Quý Hòa.

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 22/09/2022 15:46

"Điểm sáng" cho sự phục hồi kinh tế Việt Nam

Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á (ADO) cập nhật 2022 của ADB nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn.

Theo dự đoán của ADB, bội chi ngân sách dự báo sẽ tăng lên mức 4% GDP trong năm nay do tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả, cắt giảm thuế, hỗ trợ ngân sách theo mục tiêu, chi tiêu cho an sinh xã hội, y tế. Tuy nhiên, nợ công được kiểm soát tốt nên còn đủ dư địa tài khóa.

Theo ước tính, nợ công ở mức 43,1% GDP trong năm 2021, thấp hơn so với mức luật định 60%. Nợ nước ngoài của quốc gia được dự báo là 38,4% GDP, nằm trong giới hạn luật định là 45,0%. Vị thế tài khóa vững chắc và nợ công thấp đã hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và lãi suất tăng lên.

Chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát giá xăng dầu, điện, thực phẩm, y tế và giáo dục sẽ góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% trong năm 2022 và 4,0% trong năm 2023.

Đầu tư tăng, lạm phát được kiểm soát và các điều kiện tài khóa và tiền tệ mở rộng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh phục hồi kinh tế đang diễn ra trong năm 2022. Tiêu dùng tăng trong thời gian còn lại của 6 tháng cuối năm và khả năng tăng giá một số mặt hàng do chính phủ quản lý có thể làm tăng áp lực lạm phát.

Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam sẽ tăng mạnh
Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam sẽ tăng mạnh. Ảnh: Quý Hòa.

Các chuyên gia của ADB cũng nhận định rằng mặc dù căng thẳng về địa - chính trị toàn cầu và các điều kiện tài chính thắt chặt tiếp tục hạn chế dòng vốn FDI chảy vào trong năm 2022, nhưng giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tăng mạnh do các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng; đồng thời hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trở nên dễ dàng hơn. 

Việc Chính phủ quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, gồm cả thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế, sẽ bù đắp xuất khẩu giảm sút do ảnh hưởng của cầu trên thị trường thế giới đang yếu đi. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng bằng cách giữ nguyên các mức lãi suất chính sách.

NHNN cũng sẽ mở rộng thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất để cho vay với chi phí thấp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ mở rộng, ví dụ như hỗ trợ lãi suất, tái cơ cấu nợ và gia hạn nợ theo quy định mà không điều chỉnh nhóm nợ có thể làm trì hoãn việc phân loại các khoản vay khó đòi, dự báo ở mức 5% trên tổng dư nợ trong năm 2022. Nỗ lực giữ tỷ giá hối đoái ổn định để hỗ trợ xuất nhập khẩu cũng có thể gây áp lực cho dự trữ ngoại hối.

NHNN cũng sẽ mở rộng thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất để cho vay với chi phí thấp cho nền kinh tế. Ảnh: Quý Hòa
NHNN cũng sẽ mở rộng thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất để cho vay với chi phí thấp cho nền kinh tế. Ảnh: Quý Hòa

ADB cho rằng mặc dù môi trường kinh doanh được cải thiện trong 8 tháng năm nay nhưng đà kinh doanh bắt đầu chững lại và số doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhẹ trong tháng 8/2022. Sự suy giảm này phản ánh các thách thức trong quá trình phục hồi kinh doanh ví dụ như thiếu lao động và giảm đơn đặt hàng mới.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể tác động đến xuất khẩu nặng nề hơn so với dự báo, điều này sẽ làm cán cân tài khoản vãng lai xấu đi. Mặc dù các đợt tăng lãi suất quyết liệt của ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn đã góp phần giảm áp lực tăng giá trên toàn cầu, sự gia tăng bất ổn địa - chính trị toàn cầu lại có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, ảnh hưởng đến lạm phát ở Việt Nam. Lao động thiếu hụt sẽ cản trở sự phục hồi nhanh chóng của khu vực dịch vụ và các lĩnh vực xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022. Việc không thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và chi tiêu xã hội theo đúng kế hoạch có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau.

Cuối cùng, ADB giữ nguyên dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm 2023.

Có thể bạn quan tâm:

Bán nấm Trung Quốc “đội lốt” VietGap: Bách Hóa Xanh nói gì?