Điểm mặt 6 thương vụ góp vốn đình đám trong năm 2017
→Dập dìu sóng M&A bất động sản
Bất động sản, dịch vụ bán lẻ và tài chính là 3 lĩnh vực được các nhà đầu tư dành sự “ưu ái đặc biệt” trong năm nay.
Từ đầu năm 2017 đến đến nay, sự góp mặt của các nhà đầu tư mới như EQT Capital Partners và Blue HK Investments đã góp phần đa dạng hóa hoạt động góp vốn vào các doanh nghiệp tư nhân mới nổi tại Việt Nam. Ngoài ra, Công ty Kiểm toán và Tư vấn Tài chính Quốc tế (IFC) cũng đã triển khai các khoản đầu tư cổ phần tư nhân.
Điểm mặt một số thương vụ vốn cổ phần tư nhân nổi bật trong năm 2017:
KKR đầu tư 250 triệu USD vào Masan Group và Masan Nutri-Science
KKR, công ty đầu tư toàn cầu, trong tháng 4/2017 đã hoàn tất và giải ngân tổng cộng 250 triệu USD vào Masan Group và Masan Nutri-Science, công ty phát triển nền tảng thịt và các sản phẩm từ thịt có thương hiệu của Tập đoàn Masan.
Khoản đầu tư của KKR bao gồm 100 triệu USD mua lại cổ phần Masan Group từ PENM Partners, công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân của Đan Mạch, và 150 triệu USD đầu tư vào Masan Nutri-Science để sở hữu 7,5% cổ phần. Đây là khoản đầu tư thứ hai của KKR vào Masan, sau khoản đầu tư vào Masan Consumer Corporation trước đây với tổng trị giá 359 triệu USD.
Sau giao dịch, KKR trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Masan Group, sau quỹ thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore (“GIC”), và là cổ đông lớn thứ 2 tại Masan Nutri-Science sau Masan Group.
Giao dịch 740 triệu USD cổ phiếu Vincom Retail
Trong phiên giao dịch ngày 7/11, khoảng 415 triệu cổ phiếu Vincom Retail (mã VRE) đã được giao dịch thành công với mức giá 40.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị khớp lệnh hơn 740 triệu USD. Các con số trên đã đưa mã VRE đạt nhiều kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam về giá trị giao dịch.
Tổng khối lượng giao dịch này chiếm 21,8% tổng số cổ phần phát hành của Vincom Retail. Với giá giao dịch 40.600 đồng/cổ phiếu, giá trị của Vincom Retail ở mức hơn 77.000 tỷ đồng, tương đương 3,4 tỷ USD. Vincom Retail trở thành một trong 10 công ty niêm yết hàng đầu trên thị trường chứng khoán và là doanh nghiệp quản lý và vận hành trung tâm thương mại chuyên nghiệp đầu tiên có cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Các nhà đầu tư được chọn đầu tiên trong giao dịch là Avanda Investment Management Pte, Dragon Capital, Genesis Investment Management LLP, GIC Pte, HSBC Asset Management (UK), Karst Peak, RWC Asset Advisors (US), Templeton Investments và TT International.
Samsung Securities và Caldera Pacific mua 40% vốn Dragon Capital
Theo trang Business Korea, Samsung Securities cùng Caldera Pacific trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai nắm tổng cộng 40% vốn tại Dragon Capital (trong đó Samsung Securities nắm 10% vốn).
Cụ thể, Samsung Securities sẽ mua cổ phần Dragon Capital thông qua việc hợp tác với Caldera Pacific, một quỹ đầu tư tư nhân của Hong Kong.
Dragon Capital quản lý 2,32 tỷ USD các loại tài sản tính đến 31/7/2017, bao gồm cổ phiếu niêm yết bất động sản, trái phiếu, và công nghệ sạch cho các quỹ đầu tư quốc gia và hưu trí quốc tế, theo thông tin từ website của công ty.
CapitaLand lập quỹ 300 triệu USD đầu tư vào bất động sản Việt Nam
Tập đoàn CapitaLand (Singapore) đã ra mắt quỹ đầu tư thương mại đầu tiên ở Việt Nam với giá trị 300 triệu USD vào tháng 8. Đây là quỹ đầu tư chuyên về bất động sản thương mại tại Việt Nam có tên CapitaLand Vietnam Commercial Fund I (CVCFI).
CVCFI đóng quỹ đợt đầu sau khi đã huy động được 300 triệu USD vốn đầu tư. Trong đó, CapitaLand sẽ nắm 40% cổ phần của CVCFI, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác sẽ nắm phần còn lại. Với vòng đời hoạt động trong vòng 8 năm, các khoản đầu tư của quỹ CVCFI sẽ tập trung vào các dự án bất động sản thương mại hạng A tại Việt Nam.
Tập đoàn này đã thực hiện khoản đầu tư đầu tiên vào lĩnh vực bất động sản thương mại tại Việt Nam hồi tháng 1 năm nay thông qua việc mua lại và phát triển một dự án ở khu trung tâm TP.HCM.
Theo đó, CapitaLand nắm giữ 100% cổ phần khu đất có diện tích 0,6ha tại quận 1 với diện tích sàn xây dựng dự kiến là 106.000 m2. Tòa tháp này sẽ kết nối trực tiếp với tuyến tàu điện ngầm số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang được xây dựng. Tòa tháp cũng có tầm nhìn trực diện ra sông Sài Gòn.
Dự án dự kiến sẽ khởi công quý đầu năm 2017 này và hoàn thành năm 2020, cùng thời điểm tuyến metro số 1 đi vào hoạt động.
VinaCapital đầu tư 11 triệu USD vào Ngân hàng OCB
Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital hồi tháng 10 đầu tư khoảng 11 triệu USD vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) để sở hữu gần 5% cổ phần tại ngân hàng này.
Trước đó vào tháng 8, VOF đã đầu tư vào Công ty cổ phần đầu tư Tasco (HUT) và Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail Retail), với giá trị mỗi khoản đầu tư đều là 11 triệu USD.
VOF cũng cho biết, trong năm tài chính 2016-2017, quỹ đã đầu tư mới 220 triệu USD vào các công ty tư nhân, các công ty niêm yết, các thương vụ đầu tư thương lượng và trái phiếu. Các khoản đẩu tư mới như Vietjet Air (VJC), Coteccons (CTD), Tasco (HUT), Viglacera, ngân hàng, và FPT Retail.
Mekong Capital thoái vốn khỏi Traphaco, thu về gần 1.500 tỷ đồng
Trong phiên giao dịch sáng 6/11/2017, cổ phiếu Traphaco (TRA) đã xuất hiện giao dịch thỏa thuận 10,36 triệu cổ phiếu giữa các nhà đầu tư nước ngoài với mức giá 141.500 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 1.466 tỷ đồng.
Số lượng thỏa thuận trên trùng với số lượng mà quỹ Vietnam Azalea Fund Limited thuộc Mekong Capital đăng ký thoái vốn. Như vậy, Mekong Capital đã hoàn tất việc thoái vốn khỏi Traphaco sau gần 10 năm đầu tư.
Gần đây, Mekong Capital cũng thoái vốn khỏi Thế Giới Di Động (MWG), Lộc Trời (LTG) và đây cũng là những khoản đầu tư rất thành công của quỹ.
Nguồn vietnamfinace.vn