Thứ Ba | 01/10/2013 10:42

Điểm lại quá trình giảm lãi suất giai đoạn 2011-2013

Từ tháng 9/2011 đến tháng 6/2013, NHNN đã 8 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động tiền gửi VND.
Đầu năm 2011, đứng trước nguy cơ lạm phát cao, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều giải pháp khống chế tốc độ tăng trưởng dư nợ và dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất trong năm 2011 lần lượt là 20% và 16%.

Ngày 03/03/2011, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/TT-NHNN qui định trần lãi suất huy động VND của các TCTD là 14%. Từ tháng 9/2011 đến tháng 6/2013, NHNN đã 8 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động tiền gửi VND. Cụ thể, lãi suất huy động VND có kỳ hạn dưới 1 tháng đã giảm từ 6%/năm xuống 1,25%/năm, kỳ hạn từ 1 đến dưới 12 tháng giảm từ 14%/năm xuống còn 7%/năm.

Đối với tiền gửi ngoại tệ, từ tháng 4/2011 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi USD, đưa lãi suất tiền gửi USD của tổ chức và cá nhân xuống còn 0,25%/năm và 1%/năm.

Cùng với giảm lãi suất huy động, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng trong thời gian từ tháng 6/2012 đến 6/2013, NHNN đã 5 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất đối với các lĩnh vực và ngành nghề này. Hiện nay, lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực này dao động trong khoảng 9%/năm so với mức 13%/năm trước đây.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm đáng kể. Lãi suất cho vay đối với nền kinh tế giảm nhanh, từ 18,2% năm 2011 xuống 15,4% năm 2012 và 10,5% trong 6 tháng đầu năm 2013.

Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm lãi suất còn giúp đẩy lùi tình trạng đô la hóa nền kinh tế, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ 18% cuối năm từ cuối năm 2011 xuống còn 12% năm 2012, tỷ giá được duy trì ổn định từ năm 2011, dự trữ ngoại hối nhà nước được cải thiện đáng kể.

Về phía các ngân hàng thương mại (NHTM), nhờ được giám sát và xử lý cương quyết những trường hợp vi phạm trần lãi suất huy động, đồng thời với các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM yếu kém, tình trạng một số NHTM phải vay mượn lẫn nhau với lãi suất rất cao trên thị trường liên ngân hàng đã được khắc phục.

Và cuối cùng, về phía doanh nghiệp, việc điều chỉnh giảm lãi suất đã giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời ngăn chặn được nguy cơ tái lạm phát. Lạm phát đã giảm từ 18,6% vào năm 2011 xuống còn 6,8% trong năm 2012 và dự kiến chỉ còn 6,5% trong năm nay.

Nguồn SBV


Sự kiện