Dịch vụ y tế đẩy lạm phát tăng 0,9% sau ba tháng
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 7,51% (dịch vụ y tế tăng 9,86%) do trong tháng có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (tác động làm CPI tăng khoảng 0,38%).
Nhóm giáo dục tăng 0,75% (dịch vụ giáo dục tăng 0,87%) do trong tháng tỉnh Thanh Hóa thực hiện lộ trình tăng học phí.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5% (giá vật liệu xây dựng tăng 0,53%; giá nước sinh hoạt tăng 0,43%; giá điện sinh hoạt tăng 0,26%).
Nhóm giao thông tăng 0,39% chủ yếu do ảnh hưởng của lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu tại thời điểm 18/2/2017 (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,04%).
Các nhóm còn lại như thiết bị và đồ gia đình gia đình tăng 0,06%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%; bưu chính viễn thông tăng 0,03%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm như hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,87% (lương thực tăng 0,16%; thực phẩm giảm 1,22%); may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,12%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,02%.
CPI bình quân quý I năm nay tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. CPI tháng 3/2017 tăng 0,9% so với tháng 12/2016 và tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 3/2017 không đổi so với tháng trước và tăng 1,60% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 1,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3/2017 giảm 0,28% so với tháng trước; tăng 1,98% so với tháng 12/2016 và tăng 5,00% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2017 tăng 0,41% so với tháng trước; tăng 0,26% so với tháng 12/2016 và tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhật Duy