Ảnh: Thiên Ân
Dịch vụ đám mây phát triển, ngày càng nhiều 'siêu kỳ lân cloud' xuất hiện
Mới đây, startup cung cấp nền tảng phân tích và giám sát cơ sở dữ liệu Datadog đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), trở thành startup thứ 4 ở lĩnh vực dịch vụ đám mây trong năm 2019 đạt mức vốn hóa 10 tỉ USD. 3 công ty khác lần lượt là startup họp trực tuyến Zoom, ứng dụng trò chuyện Slack và startup cung cấp hệ thống an ninh mạng CrowdStrike.
4 công ty này đã nâng tổng số các công ty dịch vụ đám mây đạt trên 10 tỉ USD lên con số 16. Đây cũng là năm đầu tiên có hơn 2 công ty đạt trên 10 tỉ USD xuất hiện. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà đầu tư trên thị trường đang chú ý và sẵn sàng trả tiền cho các công ty công nghệ có mức tăng trưởng cao như ngành dịch vụ đám mây. Những nhà đầu tư cũng đang dần xa lánh các loại hình startup tiêu dùng đốt tiền mặt như Uber, Lyft và WeWork.
Jason Lemkin, một nhà đầu tư tại SaaStr, nhận xét rằng thị trường dịch vụ cloud liên tục mở ra nhiều danh mục và chiếm lĩnh dần miếng bánh đầu tư. Lemkin cho biết, có tới hơn 100 danh mục của dịch vụ đám mây có thể kiếm được 1 tỉ USD doanh thu hằng năm. Tất cả các startup đã IPO trên đang đi đúng hướng để có được điều đó.
Cũng theo Gartner, thị trường toàn cầu của các dịch vụ cloud sẽ tăng 17,5% trong năm nay lên mức 214,3 tỉ USD. Số tiền đó đang được trải rộng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm các ứng dụng, công cụ dành cho nhà phát triển, hệ thống bảo mật và ngành cơ sở hạ tầng phụ trợ.
Các công ty IPO trong năm 2019 đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư vì các dịch vụ đám mây đã cho thấy tỉ lệ giữ chân khách hàng rất cao, có hiệu quả trong việc doanh số bán hàng và tiếp thị của họ. Không chỉ làm khách hàng gắn bó hơn, mà quy mô lẫn số lượng hợp đồng đều tăng lên.
Theo ghi nhận của Datadog, tỉ lệ giữ chân khách hàng trong quý gần nhất lên tới 151%, nghĩa là một khách hàng đã chi 100USD năm trước đó hiện đã cho thêm 151USD. Vào tháng 1, CrowdStrike cũng báo cáo tỉ lệ giữ chân khách hàng đạt là 147%, Slack với 143% và Zoom là 140%. Theo Tomasz Tunguz của quỹ đầu tư Redpoint Ventures, bất kỳ công ty nào đạt tỉ lệ giữ chân khách hàng từ 140% trở lên đều nằm trong nhóm các dịch vụ được đăng ký hàng đầu.
Doanh thu của Datadog đã tăng tới 82% lên 83 triệu USD trong quý II. Zoom đạt mức tăng trưởng 96% trong quý gần đây nhất. CrowdStrike cũng theo kịp với 94%. Ứng dụng trò chuyện Slack chỉ còn tăng ở mức tương đối là 58%.
Với sự mở rộng nhanh chóng, Zoom, CrowdStrike và Datadog cho đến nay là những công ty phần mềm được định giá cao nhất trên toàn thị trường. Theo công ty phân tích thị trường FactSet, mỗi công ty có giá trị gấp 39 lần doanh thu hoặc cao hơn.
Trong khi đó, nền tảng điện toán đám mây vững mạnh sẽ là hạ tầng cơ bản cho sự phát triển cách mạng 4.0 ở Việt Nam cùng với IoT (Internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn), A.I (trí tuệ nhân tạo). Thị trường dịch vụ điện toán đám mây Việt Nam có quy mô trên 160 triệu USD vào năm 2016, tăng trưởng gần 65% trong giai đoạn 2010-2016, theo số liệu của hãng nghiên cứu BMI. Con số này cao hơn so với mức trung bình khoảng 50% của cả khối ASEAN.
Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, ở góc độ nhu cầu của người dùng, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp đang chuyển ứng dụng của mình lên cloud. Theo ông Bình, dự đoán trong 2-3 năm tới, thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu tại Việt Nam sẽ sôi động và có lẽ sẽ đóng góp lớn cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam. Viettel IDC dự báo, thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam sẽ bùng nổ trong vài năm tới, trong bối cảnh mức chi tiêu bình quân đầu người tại Việt Nam cho công nghệ này vẫn còn thấp, chỉ khoảng 1,7USD năm 2016. Sáu tháng đầu năm 2019, Viettel IDC đạt mức tăng trưởng doanh thu 42% so với cùng kỳ và là một trong những thành viên có tốc độ tăng trưởng cao trong Tập đoàn Viettel. Đặc biệt, dịch vụ điện toán đám mây có tốc độ tăng trưởng doanh thu 85% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp đang đưa lên các dịch vụ cloud nước ngoài như Amazon, Microsoft, Google, Alibaba... Số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ cloud ở Việt Nam không nhiều với vài cái tên tiêu biểu như Viettel IDC, FPT, CMC..