Ảnh: QH
Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây khó khăn nhưng cũng mang lại cơ hội cho nông - lâm - thủy sản Việt Nam
Nhiều chuyên gia cho biết, tình hình của ngành nông nghiệp, các ngành hàng nông, lâm, thủy sản sẽ bị ảnh hưởng lớn từ các diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngành hàng chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh.
Tại hội nghị với chủ đề, "Thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh Corona". Ông Nguyễn Tôn Quyền, Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch cúm do virus corona, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh, nhưng tôi cho rằng, đây là cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ bởi xuất khẩu dăm gỗ mang lại giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng”.
Ông Quyền cũng phân tích: “Tới đây, khi xuất khẩu dăm gỗ giảm sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ trong nước để sản xuất ván nhân tạo, MDF, tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong 2 tuần qua, nhiều doanh nghiệp của ngành gỗ đã chuyển hướng, đã có 3 - 4 doanh nghiệp chuyên làm dăm xuất khẩu mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu”.
Còn với ngành thủy sản, một ngành đang chịu tác động không nhỏ do dịch viêm phổi do virus Corona khi nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc. Cùng với đó, việc tạm dừng đường bay, khó khăn trong giao thông giữa hai nước sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động giao dịch, làm việc trao đổi của doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt, đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam- Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, "Hiện nay, tác động hủy đơn hàng với mặt hàng thủy sản do dịch cúm do virus corona chưa có, nhưng đã có việc chậm đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng. Các đối tác hứa ngày 16/2 mới bắt đầu nhận hàng. Khó khăn trước mắt là, một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng chở đi Trung Quốc. Các khách hàng lớn Nhật Bản đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc.
Nhưng ông Nam cũng cho rằng, “Rủi ro có, nhưng cũng có một số cơ hội. Chúng tôi thấy có 2 cơ hội thúc đẩy tranh thủ sản xuất không tác động nhiều. Trước hết là chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh. Những sự kiện như thế này sau 3-5 tháng, sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng rõ rệt, không ăn sống nhiều, hàng tươi sẽ ít đi, nhưng hàng đồ hộp, đông lạnh sẽ có nhu cầu lớn. Cơ hội thứ hai, một số ngành Trung Quốc đang cạnh tranh với chúng ta như cá ngừ, Trung Quốc là 1 trong 5 nước bán cá ngừ lớn, hiện nay các nước không mua cá ngừ Trung Quốc nên giá giảm sâu. Các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang coi đây là cơ hội đối với các nguồn tiêu thụ khác, gia tăng thị phần, giá cả”.
Còn với tình hình nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ông Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận. tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ có nhiều khó khăn tới do các đoàn đàm phán hai bên sẽ khó tiếp tục lịch trình để mở cửa chính thức cho nhiều loại nông sản.
Nguồn ảnh: QH |
Nhưng Bộ trưởng cho biết: “Hiện nay xuất khẩu nông sản chính là rau quả, lõi là thanh long, có thế tới đây là dưa hấu. Vì vậy, để ứng phó được cần sự đồng hành, quyết tâm của khu vực nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Các tỉnh, hiệp hội rà soát các ngành hàng. Như ở Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ thanh long. Với 150 cơ sở trên địa bàn với hơn 100 cơ sở có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ trong các kho lạnh, tăng chế biến và đưa ra các giải pháp để tiêu thụ ổn định chừng 30.000 tấn/tháng. Chỉ cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhưng phương án trên thì nông sản Việt sẽ không gặp nhiều tình trạng bất ổn".
►Bộ Công Thương làm việc với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang nhằm phòng chống virus corona