Lan Anh Thứ Tư | 26/10/2016 12:30

Dịch thuật: Thị trường thầm lặng

Dù đạt 100 triệu USD doanh thu mỗi năm nhưng thị trường dịch vụ dịch thuật tại Việt Nam khá trầm lặng.

Tốt nghiệp ngành ngoại ngữ, ông Lê Linh Duy mở công ty chuyên dịch thuật Openland vào năm 2004. Trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào khai phá thị trường Việt Nam thời điểm đó, nhu cầu dịch thuật, dịch hợp đồng, văn bản... khiến Openland, theo ông Duy, luôn làm không hết việc, tuần nào cũng tuyển người và tiền vô như nước. Đã qua thời hoàng kim của các công ty dịch thuật như Openland nhưng thị trường dịch thuật tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng.

Nhất là trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị cho hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do, công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, nên nhu cầu về dịch thuật ngày càng cao. Dù là lĩnh vực khá im hơi lặng tiếng, song dịch thuật lại là thị trường lớn khi có giá trị ước tính khoảng 40 tỉ USD trên toàn cầu. Theo số liệu của Common Sense Advisory, thị trường dịch thuật Việt Nam đạt doanh thu khoảng 100 triệu USD/năm và có tốc độ tăng trưởng 30% với hơn 800 công ty đăng ký hoạt động.

Cũng theo Common Sense Advisory, hơn 2/3 lượng truy cập internet đến từ những nước không nói tiếng Anh, trong khi 72% người dùng internet chỉ sử dụng những trang web viết bằng tiếng mẹ đẻ. Số lượng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và nhóm doanh nghiệp Việt làm ăn với nước ngoài ngày càng tăng nên nhu cầu chuyển ngữ là rất lớn.

Vietgate là công ty xuất khẩu hàng vào thị trường Dubai. Theo ông Đinh Công Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Vietgate, dù là thị trường các nước Ả rập nhưng các bên vẫn giao dịch theo hợp đồng tiếng Anh. Nhu cầu dịch hợp đồng của Công ty cũng tỉ lệ thuận theo số hợp đồng giao dịch. Dù không phải chi phí lớn nhưng dịch thuật hợp đồng là chi phí cơ bản của các công ty xuất khẩu như Vietgate...

Cũng như ở các nước châu Á khác, tiếng Anh, Trung, Nhật và Hàn là những ngôn ngữ có nhu cầu dịch thuật cao nhất tại Việt Nam. Số lượng ấn phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng rất đa dạng. Theo thống kê của một công ty dịch thuật, dịch công chứng, tài liệu, hợp đồng xuất nhập khẩu, website, quy trình quản lý... chiếm 60% nhu cầu thị trường, 35% là nhu cầu dịch tại hội nghị, hội thảo và 5% còn lại là dịch thu âm, lồng tiếng...

Trên thế giới hiện có khoảng 100.000 lao động chuyên nghiệp, chỉ có những người được cấp chứng chỉ hành nghề từ các hiệp hội nghề nghiệp mới đủ điều kiện để làm việc, nhất là những công ty lớn thường yêu cầu kinh nghiệm từ 3-5 năm. Nhưng tại Việt Nam, dịch thuật lại là ngành có rào cản gia nhập thấp, không yêu cầu nhiều về cơ sở vật chất cũng như chất lượng nhân lực. Trên 90% doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động dưới 3 năm. Số doanh nghiệp lâu năm có quy mô hơn 100 người chỉ khoảng 5%.

Dich thuat: Thi truong tham lang
Trên 90% doanh nghiệp dịch thuật có quy mô nhỏ, hoạt động dưới 3 năm. Ảnh: dichthuatabc.com

Dù là một thị trường “thầm lặng” nhưng cuộc cạnh tranh trong thị trường dịch thuật khá gay gắt, giữa các công ty trong nước cũng như nước ngoài. Đa phần doanh nghiệp dịch thuật trong nước cạnh tranh bằng giá chứ không bằng những giá trị gia tăng cho khách hàng. Giá dịch thuật của các công ty trong nước thường dao động từ 300.000-400.000 đồng/1.000 chữ (tương đương 90.000 - 120.000 đồng/trang), thấp hơn 15-25% so với công ty dịch thuật nước ngoài. Tuy nhiên, các công ty dịch thuật trong nước mới chỉ nắm giữ được phân khúc dịch tài liệu phổ biến.

Ngược lại, nhóm công ty nước ngoài biết cách xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, tuân theo tiêu chuẩn dịch thuật quốc tế và có chiến lược quản lý chất lượng hiệu quả nên thường có những hợp đồng lớn. “Dù không phát triển bùng nổ nhưng biên lợi nhuận của ngành dịch thuật ổn định từ 10-20% và vẫn tiếp tục tăng trưởng khi ngày càng nhiều giao dịch thương mại được đầu tư vào Việt Nam”, ông Đinh Khắc Tuấn, Giám đốc Công ty Expertrans Global, nhận định.

Anh Cung Văn Hùng, một biên dịch có nhiều năm kinh nghiệm cho biết tỉ lệ kỹ sư hay chuyên gia có khả năng dịch tài liệu chuyên ngành không nhiều vì dù có kiến thức chuyên môn nhưng hạn chế về diễn đạt ngôn ngữ. Do đó, các tài liệu chuyên môn phần lớn vẫn được dịch bởi biên dịch tay ngang nên áp lực khá lớn. Tranh luận chưa có hồi kết mới đây về thuật ngữ “Angel Shark” dịch là “cá mập thiên thần” hay “cá nhám dẹt” cho thấy mảng dịch thuật chuyên ngành tại Việt Nam vẫn còn thiếu chuyên nghiệp.

Những khó khăn như anh Hùng trải qua chính là điểm tựa của thị trường dịch thuật trước cơn lốc của công nghệ dịch thuật, công nghệ dịch máy. Tuy nhiên, tương lai của ngành dịch thuật, theo ông Khắc Tuấn, sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi công nghệ. Đơn cử như sự bùng nổ của những phần mềm dịch máy như Google Translate, iTranslate, Wordfast, Microsoft Translate hay một số phần mềm dịch thuật được phát triển ở trong nước như Bocohan, EV Trans, Vietgle... Hay ứng dụng kết nối khách hàng và người dịch chứ không thông qua một công ty nào cả (có thể kể tên như Smartling, Flitto). Dù những máy dịch này vẫn cần thời gian phát triển để đạt được độ chính xác và tinh tế trong chất lượng dịch thuật, song không thể phủ nhận công nghệ đang mở ra những hướng phát triển chưa từng có trước đây trong lĩnh vực này và chiếm một miếng bánh không nhỏ của các công ty dịch thuật.

Mặc dù vậy, theo ông Duy, Openland, trong bối cảnh nhu cầu thị trường vẫn tăng trưởng, nếu tập trung phát triển chất lượng dịch bám sát với những quy chuẩn toàn cầu, có thể thấy các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn nhiều đất để phát triển.

Lan Anh