Nguồn ảnh: cuc hang khong

 
Thứ Ba | 03/03/2020 11:13

Dịch COVID-19: Cơ hội để tái cơ cấu thị trường hàng không

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 đã khiến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng; trong số này có ngành hàng không.

Trước tình hình đó ngành đã đưa ra nhiều giải pháp, đặc biệt là tái cơ cấu lại thị trường vận tải hàng không nhằm giảm bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới.

Thị trường giảm 2 con số

Những ngày cuối tháng 2, các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific hay Bamboo Airways đã liên tục đưa ra các đợt giảm giá cho các đường bay nội địa và quốc tế.  Đáng chú ý, hành khách nếu bay Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh vào thời điểm này có thể dễ dàng mua vé với giá chỉ bằng 1/3 giá vé tàu hỏa hoặc có thể bay đến các điểm du lịch trong nước như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… từ Hà Nội với giá “siêu rẻ”.

Chị Vũ Thị Huyền, một giáo viên mầm non tại Hà Nội chia sẻ: “Chưa bao giờ có thể dễ dàng và thuận lợi mua vé đi du lịch đến các điểm như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… với mức giá rẻ như vậy. Chỉ mất hơn 2 triệu đồng là có thể mua được một vé khứ hồi đã bao gồm thuế, phí cho đường bay từ Hà Nội đi Phú Quốc, hay chỉ  khoảng 1,1 triệu đồng cho vé khứ hồi bay Hà Nội - Đà Nẵng. Vé bay Hà Nội - Nha Trang khứ hồi cũng chỉ khoảng 1,4 triệu đồng".

Nếu truy cập các trang web bán vé máy bay online của các hãng hàng không hiện nay, khách hàng có thể dễ dàng tìm, chọn vé máy bay không chỉ các đường bay trong nước mà cả những đường bay đi quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc…với giá khá dễ chịu.

Theo các chuyên gia kinh tế, động thái của các hãng hàng không một phần nhằm thu hút hành khách, kích cầu du lịch; đồng thời đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của các hãng hàng không trong bối cảnh nhiều người e ngại đi du lịch trước diễn biến dịch COVID -19 vẫn diễn biến phức tạp.

Báo cáo mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam trong tháng 2 chỉ đạt gần 8,1 triệu khách, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 2,4 triệu, giảm 29,8%, khách nội địa đạt 5,7 triệu, giảm 0,7%. Cũng trong tháng 2, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 3,7 triệu khách, giảm 13,7% so với tháng 2/2019. Trong số đó, lượng khách quốc tế giảm tới 39,5%, khách nội địa giảm nhẹ 0,7%.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, mức sụt giảm lên tới 2 con số sau nhiều năm liên tục tăng trưởng mạnh của thị trường hàng không Việt Nam là do ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19.

Lãnh đạo Vietnam Airlines chia sẻ, cứ mỗi tuần kéo dài thêm dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của Vietnam Airlines khoảng 200-250 tỷ đồng. Doanh thu của hãng sụt giảm ở cả mảng hành khách và hàng hóa, ước khoảng 20-25% trong nửa đầu tháng 2.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, thị trường Trung Quốc đang chiếm 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế của các hãng hàng không trong nước. Trước khi xuất hiện dịch COVID-19, thị trường Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng hàng không tham gia khai thác 72 đường bay giữa các điểm đến Việt Nam và Trung Quốc.

Việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu trung bình khoảng 400.000 lượt khách/tháng. Các hãng cũng bị thiệt hại nhiều chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, vệ sinh phòng dịch...

Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia phân tích của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận xét: Vận tải hàng không sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lượng khách quốc tế sử dụng hàng không của Việt Nam chiếm hơn 79% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Riêng khách Trung Quốc đến Việt Nam bằng đường hàng không cũng chiếm tới 70%.

Bộ phận nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng đánh giá triển vọng ngành hàng không trong ngắn hạn là "tiêu cực" do tác động của dịch COVID-19. Tất cả hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh này khi nhu cầu đi du lịch giảm, nhất là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc. Năm 2019, trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam, khách Trung Quốc chiếm tới 32,2%.

Nguồn ảnh: TTXVN
Nguồn ảnh: TTXVN

Các giải pháp ứng phó 

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của hãng lớn hơn rất nhiều so với dịch SARS cách đây 17 năm. Hãng đã báo cáo cơ quan quản lý về việc này và sắp tới sẽ báo cáo hàng tuần để cập nhật tình hình, dự kiến biện pháp ứng phó… Hãng đang đánh giá mức độ ảnh hưởng trong thời gian tới dựa vào giả định mức độ tiếp tục lan tỏa hay kiềm chế của dịch bệnh. Dù vậy, theo đánh giá chung, dịch sẽ giảm mạnh khi mùa hè đến nên Vietnam Airlines đưa ra kịch bản và những giải pháp dài nhất đến tháng 5/2020.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho hay, sắp tới ACV phải điều chỉnh kế hoạch, đồng thời phối hợp với các hãng hàng không tìm giải pháp kích cầu thị trường. Thời điểm sau dịch SARS, ngành hàng không đã rút ra bài học là nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, khi thị trường đó có vấn đề sẽ ảnh hưởng lớn nên đã tái cơ cấu để tránh bị ảnh hưởng quá mạnh. Với đợt dịch này, ACV cũng đặt ra định hướng phối hợp với các bên nhằm tái cơ cấu thị trường.

Hiện một số hãng hàng không đã bắt đầu xoay xở, tìm cách ứng phó nhằm giảm thiệt hại từ dịch COVID-19. Vietnam Airlines vừa thông báo đang có nhu cầu cho thuê các máy bay thân hẹp (A321) hoặc máy bay thân rộng (A350-900 hoặc B787-9/10). Thời gian cho thuê là 6 tháng hoặc theo nhu cầu, dự kiến bắt đầu từ tháng 4/2020. Trong khi đó, Vietjet Air đẩy mạnh khai thác thị trường mới khi mở loạt 5 đường bay thẳng từ Đà Nẵng, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh tới các điểm đến của Ấn Độ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng hàng không cần chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí, triển khai những phương án khai thác hợp lý nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch bệnh. Cụ thể, các doanh nghiệp phục vụ hành khách tới những điểm đến không bị ảnh hưởng dịch và nghiên cứu xây dựng kịch bản kinh doanh, thị trường mới trên cơ sở diễn biến cập nhật của dịch bệnh và biến động của thị trường hàng không.

Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không duy trì hoạt động khai thác, vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do nhà nước quản lý (giá dịch vụ điều hành bay đi/đến, hạ cất cánh). Khuyến khích các hãng hàng không và nhà cung cấp dịch vụ hàng không chủ động thảo luận, hiệp thương để điều chỉnh mức giá dịch vụ, giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp...

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng đang nỗ lực mở thêm nhiều đường bay nội địa, mở bán các loại vé với mức giá hấp dẫn nhằm thu hút hành khách, đảm bảo không để máy bay nằm không nhưng vẫn phải trả tiền thuê máy bay, nhân công, khấu hao...

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có kế hoạch tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu đường bay, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để kích cầu, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh; đồng thời, khuyến nghị các hãng hàng không đàm phán với các nhà cho thuê máy bay để trả bớt máy bay, cũng như đàm phán với các nhà sản xuất máy bay để giãn tiến độ nhận máy bay.

Trong khi đó, đại diện các hãng hàng không cũng báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ và các bộ, ngành để có kế hoạch chi tiết giúp phục hồi thị trường vào cuối năm 2020, năm 2021 và 2022 sau khi dịch COVID-19 được khống chế.

Cục Hàng không Việt Nam dự kiến 3 kịch bản cho thị trường hàng không năm 2020 cho đến khi Trung Quốc công bố hết dịch. Cụ thể, nếu dịch hết trong tháng 4, tổng thị trường năm 2020 vẫn đạt 80 triệu khách, tăng 1,1%. Lượng khách qua cảng đạt 119 triệu khách. Tháng 6/2020 hết dịch, tổng thị trường sẽ đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7%, lượng khách qua cảng đạt 111,6 triệu khách, giảm 4,2%. Nếu tháng 8 mới hết dịch, tổng thị trường sẽ giảm sâu 17,2%, chỉ còn 65,5 triệu khách. Lượng khách qua cảng giảm 15,5%, còn 98,5 triệu khách.

Hiện các hãng hàng không đã tạm hoãn lịch bàn giao máy bay mới. Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã lên phương án báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xin phép giảm giá điều hành bay, cất hạ cánh. Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cho các hãng hàng không để giúp các đơn vị này giảm bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Dịch vụ mặt đất, lợi nhuận trên không

Nguồn TTXVN