Việt Nam là thị trường tiềm năng của du học.

 
Hằng Nguyễn Thứ Tư | 20/03/2024 07:30

Dịch chuyển trên bản đồ du học

Trở thành thị trường tuyển sinh tiềm năng giúp du học sinh Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn trong bản đồ du học thế giới.

Năm 2022 Đông Nam Á đứng thứ 3 trong những thị trường gửi học sinh du học lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong số 350.000 sinh viên được Đông Nam Á gửi đi, Việt Nam đóng góp 35%, đưa quốc gia hình chữ S đứng đầu khu vực. Hiện nay, Việt Nam là thị trường lớn thứ 4 cho Úc, thứ 6 cho Mỹ, thứ 5 tại Canada và nằm trong 20 nguồn du học sinh ngoài khối EU đến Anh. 

Cú hích lớn từ tầng lớp trung lưu

Với mong muốn cải thiện chất lượng giáo dục cho con cái để có một tương lai tốt hơn, các bậc cha mẹ tại Việt Nam đã gửi con ra nước ngoài. Tầng lớp trung lưu tiếp tục gia tăng và được kỳ vọng sẽ vào khoảng 40 triệu người vào năm 2025 đã giúp Việt Nam duy trì vị thế tăng trưởng mạnh trong vùng.

“Cải thiện khả năng ngoại ngữ” là một trong những ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn điểm đến của phụ huynh, vì vậy những quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Úc và Canada là những điểm đến được ưa chuộng. Một loạt trường đại học được xếp hạng hàng đầu thế giới tọa lạc tại những nơi này là điểm cộng thêm.

Mỹ từng là điểm đến truyền thống của Việt Nam, tuy nhiên Canada được chú ý hơn trong những năm gần đây. “Nhiều sinh viên xem Canada là một lựa chọn để mở rộng cuộc sống trong nhiều cách bên cạnh giáo dục”, ông Ken Cooper, Chủ tịch Access American Education, bình luận trong một cuộc phỏng vấn với ICEF Monitor. Việc mở rộng này bao gồm cơ hội nhập cư và tìm được việc làm.

 

Tuy vậy, dữ liệu cho thấy những quốc gia tại châu Á ngày càng được ưa chuộng hơn. Trong số 137.000 sinh viên du học năm 2023, Viện Thống kê UNESCO (UIS) cho biết 1 trong 2 sinh viên sẽ chọn đích đến là Nhật hoặc Hàn Quốc. “Nhật gần hơn”, ông Cooper phân tích, “Một số yếu tố kinh tế như chi phí sinh hoạt thấp hơn và cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp đã thu hút sinh viên Việt Nam đến Nhật. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục nước này cũng được đánh giá cao về chất lượng”.

“Khi xem xét việc du học, 43% sinh viên và gia đình Việt xác định chi phí học tập và sinh hoạt là 1 trong 3 mối quan tâm lớn nhất. 1/3 người được khảo sát xem an toàn là 1 trong 3 mối quan tâm lớn nhất”, báo cáo của INTO University Partnerships tiết lộ. Trong khi đó, môi trường an toàn và hỗ trợ cho trẻ nhỏ và danh tiếng của trường đại học có ảnh hưởng mạnh đến quá trình ra quyết định.

Tiềm năng của thị trường Việt Nam có lẽ cũng khiến nhiều quốc gia chưa từng đẩy mạnh về tiếp thị giáo dục chú ý. Trong số những quốc gia nằm sau Top 10 có ít hơn 1.000 du học sinh Việt đến trong năm 2023, một số đã có động thái thu hút học sinh Việt như Hong Kong, New Zealand và Phần Lan.

Những mối quan tâm mới 

Mỗi năm, trung bình một gia đình Việt chi 600-800 triệu đồng cho mỗi sinh viên học tập ở nước ngoài (số liệu năm 2016 của HSBC). Năm 2019 giáo dục quốc tế đã đóng góp 5,23 tỉ USD cho nền kinh tế New Zealand với Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 47% tổng số sinh viên quốc tế đăng ký. Sự sụt giảm về tuyển sinh trong đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhiều trường nhắm đến những thị trường lớn nhất, trong đó có Việt Nam. Lập tức trở lại Việt Nam sau khi đảo quốc nhỏ thưa dân ở châu Á - Thái Bình Dương mở cửa trở lại, bà Jayne Jones, Phó Hiệu trưởng của trường Long Bay College, nói: “Chúng tôi mở cửa với học sinh quốc tế nhằm đem đến trải nghiệm đa dạng văn hóa”.

Tại châu Á, một khu vực kinh tế đang tích cực thu hút sinh viên quốc tế là Hong Kong. Dù sở hữu 3 trong 10 trường đại học được Times Higher Education đánh giá là tốt nhất châu Á, xứ Cảng Thơm này lại khá kín tiếng trong việc quảng bá giáo dục. Tuy nhiên, hiện chính quyền và các trường đại học tại Hong Kong đang cởi mở hơn để chuyển hướng sang những quốc gia tiềm năng khác, trong đó có Việt Nam. “Vì vậy, cơ hội của các bạn cũng nhiều hơn”, Giám đốc Tuyển sinh của Đại học Hong Kong, ông Vũ Hải Trường bình luận về số lượng học sinh Việt Nam nhận được học bổng tại các trường đại học tốt trên thế giới ngày càng tăng.

 

Các quốc gia ở Lục địa già châu Âu lại chứa đựng một câu chuyện khác. Tỉ lệ sinh sụt giảm khiến mối nguy dân số già hóa ngày một tăng đã mở ra cánh cửa rộng về cơ hội nhập cư cho cư dân từ các quốc gia khác. Phần Lan, 1 trong 4 quốc gia Bắc Âu hạnh phúc, là một ví dụ. Từ 3 năm nay, Finest Future đã đưa hơn 1.500 sinh viên học sinh từ 20 quốc gia trên thế giới đến Phần Lan, 2/5 trong số đó đến từ Việt Nam. Phần lớn ở độ tuổi trung học khi còn nhiều khả năng và thời gian để thích nghi với một ngôn ngữ mới.

“Chỉ cần học bằng tiếng Phần Lan, du học sinh sẽ được hưởng học phí như người bản xứ”, Bambi Đặng, đồng sáng lập Finest Future, nói đến ưu thế về học phí của quốc gia Bắc Âu. Mức học phí chỉ tương đương vài triệu đồng, cộng với cơ hội ở lại làm việc và sinh sống sau khi học tại quốc gia đang dần cạn kiệt nguồn nhân lực trẻ là sức hút chính. Tuy vậy, việc không yêu cầu trình độ tiếng Phần Lan quá cao lại là mặt trái của việc du học theo hình thức này. “Học sinh sẽ được giới thiệu đến những trường ở xa, nơi còn nhiều chỉ tiêu và tỉ lệ cạnh tranh vào trường không cao”, Bambi Đặng phân tích. “Nếu muốn học cao hơn đòi hỏi tiếng Phần Lan có chuyên môn cao hơn nhiều”.