Công ty Transimex. Ảnh: TL.

 
Nguyễn Sơn Thứ Tư | 30/12/2020 08:00

Dịch chuyển nóng trên bản đồ logistics

Logistics đón cơ hội từ làn sóng đầu tư FDI dịch chuyển sang Việt Nam.

M&A trên thị trường logistics ngày càng nóng lên. Mới đây, Công ty Ryobi International Logistics Việt Nam của Nhật đã mua gần 16,8 triệu cổ phiếu, tương đương 23,7% cổ phần để trở thành cổ đông lớn của Transimex Corporation (TMS). Căn cứ vào thị giá cổ phiếu TMS trên thị trường, thương vụ mua vào của Ryobi đạt giá trị hơn 600 tỉ đồng.

Transimex là một thương hiệu lâu năm trong ngành logistics, chuyên giao nhận và vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển, hàng không và đường bộ, đồng thời cung cấp các dịch vụ ngoại quan, kho CFS, kho ICD. Hệ thống Transimex gồm 6 công ty con và 7 công ty liên kết. Các hoạt động khác còn bao gồm cho thuê văn phòng và kinh doanh xăng dầu.

 

Đi cùng với làn sóng đầu tư FDI dịch chuyển sang Việt Nam, cùng với nhu cầu cao của thị trường nội địa, các thương hiệu logistics, kho bãi quốc tế đang gia tăng tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực sẽ thổi luồng sinh khí mới cho ngành, giúp cải thiện vị trí và chất lượng hiện đại cho thị trường logistics Việt Nam, vốn đứng sau Ấn Độ, Indonesisa và cách khá xa so với Trung Quốc, Singapore. 

Theo bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường của JLL Vietnam, là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng bởi dịch bệnh toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế Việt Nam đạt được thành tích ấn tượng. Cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt khoảng 267 tỉ USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỉ USD; thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỉ USD. “Đây sẽ là động lực lớn cho sự phát triển của mảng dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu”, bà Trang Bùi nhận định.

Hơn thế nữa, thương mại điện tử cũng là một động lực lớn cho nhu cầu bất động sản hậu cần. Thông thường, các công ty thương mại điện tử sử dụng nhiều không gian hậu cần hơn các nhà bán lẻ truyền thống. Điều này phần lớn là do phạm vi sản phẩm phong phú hơn, mức tồn kho lớn hơn, yêu cầu về không gian vận chuyển ra nước ngoài lớn hơn và nhu cầu hậu cần 2 chiều (quy trình đổi trả hàng).

Hiện thương mại điện tử chiếm khoảng 20% tổng doanh số bán lẻ tại châu Á - Thái Bình Dương so với 14% trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử dự kiến đạt khoảng 13 tỉ USD, gấp đôi so với năm 2017.

 

Thị trường xuất hiện nhiều nhà cung cấp dịch vụ đạt chuẩn 3PL như DKSH, Kerry, TBS, DHL, ITL... Ngoài ra, các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada cũng xây dựng riêng nhà kho có quy mô đáng kể. Theo JLL, trong 3 năm tới, logistics Việt Nam sẽ tăng trưởng 14-16%. Thị trường cũng xuất hiện trọng điểm mới về đầu tư các dự án logistics.

Do khu vực trung tâm TP.HCM ngày càng hạn chế về nguồn cung, nên Bình Dương và Đồng Nai, Long An đang có cơ hội phát triển mảng bất động sản nhà kho. Đơn cử như Đồng Nai có khu vực liền kề với sân bay quốc tế Long Thành sẽ hưởng lợi lớn, Bình Dương có lợi thế khi là thủ phủ công nghiệp lớn nhất vùng và khu vực phía Bắc của tỉnh có quỹ đất trống tương đối lớn. Còn Long An cũng chứng kiến chất lượng hạ tầng đang cải thiện mạnh mẽ. Một số đơn vị phát triển nhà kho đang tìm kiếm quỹ đất ở những thị trường này.

Theo JLL, tính đến tháng 12.2020, tổng nguồn cung nhà kho tại Long An, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã vượt ngưỡng trên 3 triệu m2 sàn, trong đó Bình Dương dẫn đầu với gần 1,4 triệu m2 kho vận cung cấp cho thị trường bất động sản hậu cần. TP.HCM và Đồng Nai lần lượt đưa ra thị trường 600.000-800.000 m2 nhà kho.

Long An có nguồn cung kho vận ít nhất trong top 4 các tỉnh phía Nam nhưng cũng đã xuất hiện hàng trăm ngàn m2 nhà kho phục vụ thị trường tập kết và trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây. Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc tăng trưởng khiêm tốn hơn thủ phủ công nghiệp phía Nam với tổng nguồn cung đạt 880.000 m2 kho vận xuất hiện tại Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Phòng.

Để giảm chi phí logistics tại khu vực miền Nam, mới đây, TP.HCM đề xuất phát triển 5 tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối đến Long An, Tây Ninh, Cần Thơ, sân bay Long Thành. Các dự án này khi đưa vào khai thác được đánh giá giúp giảm chi phí logistics, tăng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long, giúp phân luồng khai thác vận tải hành khách, hàng hóa. Chúng nằm trong đề án thúc đẩy logistics với mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM sẽ cải thiện vai trò đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối các thị trường và góp phần giảm chi phí logistics cả nước so với tổng sản phẩm nội địa xuống còn 10-15%.

Theo đại diện của JLL Vietnam, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng ngành hậu cần còn phải vượt qua nhiều thách thức. Trước hết, để có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics/công nghiệp, ngành hậu cần phải tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm thời gian và chi phí vẫn cần thêm nhiều cải tiến đáng kể. Hiện chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.