Đi tìm thương hiệu riêng cho lễ hội quốc tế tại Việt Nam
Là bởi cũng như cô gái đẹp, nếu điểm đến chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp bên ngoài thì sẽ khó bền lâu. Vậy Việt Nam đang làm gì, để có được sự cuốn hút bền lâu của một “cô gái vốn đã rất đẹp”?
Công thức thành công từ quốc tế
Theo thống kê của Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam, 5 năm gần đây, lượng khách Việt Nam đi du lịch Nhật Bản đã tăng gấp 6 lần, từ 55.000 lượt năm 2012 lên 308.900 lượt năm 2017, tăng 41,4%/ năm. Ba tháng đầu năm 2018 cũng đã có 86.300 lượt du khách Việt đến Nhật Bản, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt cả lượng khách tới từ các thị trường châu Âu như Anh, Pháp…
Giải mã làn sóng khách du lịch Việt Nam sang Nhật, các chuyên gia và nhà quản lý du lịch hai nước cho rằng bên cạnh thế mạnh về cảnh quan tự nhiên, lịch sử văn hóa truyền thống, con người, môi trường khí hậu và nền công nghiệp hàng hóa phát triển rực rỡ thì yếu tố chính làm nên sức sức hút của du lịch Nhật Bản chính là văn hóa lễ hội.
Ở Nhật Bản, lễ hội diễn ra suốt 12 tháng trong năm, khắp các vùng miền. Mùa Tết, du khách hẹn nhau tới Nhật để dự Lễ hội mừng năm mới Shogatsu, ăn món mì trường thọ và hưởng bầu không khí sum họp gia đình ấm áp. Sang xuân, Lễ hội hoa anh đào Hanami kéo dài từ tháng 3 tới hết tháng 5 hấp dẫn cả triệu du khách quốc tế.
Màn trình diễn pháo hoa |
Rồi lễ hội cầu phúc Tanabata, lễ hội Vu Lan Obon, chuỗi lễ hội mùa hạ, mùa thu, tới cả lễ hội nông nghiệp… Những không gian chăng đèn, kết hoa, bầu không khí náo nhiệt từ trong nhà ra ngõ phố, những điệu nhảy tập thể truyền thống của người dân, tiếng cười, tiếng hát… tất cả đưa du khách hòa mình vào một không gian văn hóa ấn tượng không thể quên.
Nhờ văn hóa lễ hội, Nhật Bản đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trên toàn thế giới trong cả bốn mùa. Theo giám đốc Sở Du lịch Nhật Bản, tính từ một thập niên gần đây, nước Nhật thu hút 28,7 triệu du khách nước ngoài mỗi năm. Riêng tại Việt Nam, từ năm 2016, Nhật Bản đã nằm vị trí đầu tiên trong top 5 nước được du khách Việt yêu thích nhất.
Nhìn ra quốc tế, không chỉ Nhật Bản mà lễ hội đã thành công thức để thành công của du lịch nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…, cũng là cách để nước châu Mỹ, châu Âu khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới. Ngay cả với Mỹ, gần một thập kỷ nay, lễ hội cũng dần trở thành “át chủ bài” để quốc gia này hút dòng khách lớn về cho các thành phố.
Xã hội hóa lễ hội, tăng sức hút cho điểm đến
Đêm 28/4, quảng trường Sun Carnival Hạ Long tại trung tâm Bãi Cháy như nổ tung bởi tiếng hò reo và những tràng pháo tay của hàng vạn du khách từ khắp ngả đổ về tham dự Carnaval Hạ Long 2018. Một show nghệ thuật hoành tráng kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ, thu hút hàng ngàn nghệ sĩ trong nước và quốc tế, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại đã khép lại bằng màn pháo hoa ấn tượng trên bờ vịnh, đi kèm phần trình diễn của DJ cuốn hút hàng trăm khán giả ào lên sân khấu trong vũ điệu cuồng nhiệt.
Carnaval Hạ Long |
Carnaval từ lâu đã là đặc sản của “thủ phủ du lịch miền Bắc” – Hạ Long. Nhưng việc mùa hội 2018 khép lại ấn tượng như thế thì với ngay cả người bản địa, 10 năm nay rồi, họ mới được thấy. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Quảng Ninh xã hội hóa một lễ hội lớn và Sun Group là Tập đoàn được chọn đứng ra đảm nhận trách nhiệm tổ chức sự kiện này.
Sự đổi mới của carnaval Hạ Long 2018 được ví như thứ gia vị đặc biệt khiến “đất rồng” bất ngờ tăng sức hút, và nó góp phần không nhỏ vào con số tăng trưởng khá ấn tượng mà ngành du lịch Quảng Ninh có được trong nửa đầu năm 2018, với 7,5 triệu lượt khách, tăng 26%, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 12.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.
Về thủ phủ du lịch miền Trung, “thành phố pháo hoa” Đà Nẵng cũng đã đánh dấu một mùa lễ hội nữa thành công ngoạn mục, dưới sự chung tay tổ chức của Tập đoàn Sun Group. Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng: “Trong hai tháng diễn ra Lễ hội pháo hoa – DIFF 2018, lượng khách du lịch tới Đà Nẵng đã cán mốc 1.581.558 lượt khách, tăng 25,54% so với cùng kỳ 2017. Lượng khách tăng cao, công suất phòng khách sạn thời gian diễn ra lễ hội luôn đạt từ 70-90%, dù Đà Nẵng đã có thêm 7.355 phòng so với cùng kỳ năm 2017”.
Lễ hội đường phố |
Điều gì làm nên dấu ấn mới cho DIFF qua hai năm nâng tầm từ cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế thành lễ hội? Câu trả lời là rất nhiều. Kể từ khi có sự vào cuộc của doanh nghiệp, từ sân khấu pháo hoa cũng khác biệt, hoành tráng hơn hẳn. 8 đội pháo hoa đến từ những cường quốc ánh sáng nổi tiếng và dàn sao nổi tiếng trong nước cùng cả ngàn diễn viên múa, với các ca khúc sôi động, những vũ điệu điêu luyện… đã làm nên 5 đêm trình diễn vô cùng kỳ ảo, điều mà khán giả những mùa pháo hoa trước chưa từng chứng kiến.
Những đêm carnival đường phố rực rỡ sắc màu của vũ hội, ánh sáng, âm nhạc… khiến các con phố ngập tràn niềm vui. Lễ hội ẩm thực với ngàn món ngon và những show trình diễn nghệ thuật rộn ràng, sống động cuốn hút đủ mọi đối tượng du khách. DIFF mang đến cả một trời tưng bừng cho Đà Nẵng, khiến thành phố càng ngày càng hấp dẫn hơn. Trong mắt du khách, hiếm có nơi nào làm được như Đà Nẵng. Người dân địa phương cũng công nhận rằng: “Từ khi Sun Group tham gia tổ chức, pháo hoa Đà Nẵng đã thực sự đổi thay, tạo tiếng vang lớn”.
Những con số biết nói, những ấn tượng sâu đậm, vị thế được nâng tầm, liệu đã đủ để khẳng định sức hấp dẫn của du lịch lễ hội trong sự phát triển của ngành công nghiệp không khói, liệu đã đủ lý do để nói rằng, du lịch lễ hội Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá, nếu có sự vào cuộc của những nhà đầu tư tầm cỡ, tâm huyết, làm việc bài bản.