Đi tìm cotton bền vững
Sợi cotton là loại sợi tự nhiên được sử dụng rộng rãi nhất, với hơn 27 triệu tấn cotton được sản xuất mỗi năm tại trên 85 quốc gia. Nhưng cotton cũng được xem là loại cây trồng “dơ” nhất thế giới vì chúng tiêu thụ quá nhiều thuốc trừ sâu. Trồng cotton “ngốn” tới 17,5% lượng thuốc trừ sâu của thế giới, theo một số ước tính.
Vì thế, trong những năm gần đây, nhiều công ty may mặc và sản xuất hàng hóa dùng trong gia đình, trong đó có Eileen Fisher, Patagonia và Nike đã sử dụng loại cotton hữu cơ, được trồng bởi những người nông dân không dùng thuốc trừ sâu và chỉ bón đất bằng phân trộn. Điều đó tốt cho môi trường nhưng lại làm nảy sinh một vấn đề lớn khác: cotton hữu cơ quá đắt đỏ đối với những người mua sắm trung bình. Sợi hữu cơ tốn tới 2,20 USD mỗi pound (1 pound tương đương 453gr) so với khoảng 61 cent đối với cotton truyền thống trong mùa vụ 2015-2016.
Chính vì quá đắt đỏ nên nhu cầu đối với cotton hữu cơ rất thấp. Bằng chứng là chưa tới 1% lượng sản xuất cotton của thế giới là cotton hữu cơ.
Trong 9 năm qua, H&M, Ikea, Inditex (chủ sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang Zara) và nhiều công ty khác đã tham gia vào Better Cotton Intiative (BCI), liên minh các nông dân, nhà sản xuất hàng may mặc và các nhà bán lẻ cam kết sản xuất và sử dụng cotton bền vững với giá phải chăng. Các nông dân thuộc liên minh BCI được hướng dẫn cách trồng cotton bền vững, sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn và tiêu thụ ít nước hơn (từ đó làm giảm áp lực lên môi trường) với mức chi phí gần bằng chi phí của loại sợi cotton bình thường.
“Đó là một trong những mục tiêu của chúng tôi, nhằm làm cho Better Cotton trở thành xu hướng chủ đạo và đưa nó sử dụng rộng rãi cho số đông”, Ulrika Hvistendahl, phát ngôn viên về bền vững của Ikea, cho biết. Kể từ năm 2009, nhà bán lẻ này đã gia tăng tỉ lệ Better Cotton được sử dụng trong các sản phẩm của mình từ khăn trải giường cho đến đồ nội thất. Trong năm tài chính 2015, có tới 70% lượng cotton Ikea sử dụng là Better Cotton.
Những nỗ lực tương tự như chương trình cotton bền vững e3 (chương trình làm việc với nông dân để đảm bảo họ sản xuất cotton một cách có trách nhiệm) của Bayer CropScience cũng đang giúp gia tăng nguồn cung cotton bền vững. Vật liệu này có thể giúp các công ty “ghi điểm” trong mắt các khách hàng thuộc thế hệ millennial (thế hệ đầu tiên của xã hội kỹ thuật số, ở độ tuổi từ 18-35) cũng như thu hút những khách hàng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.
“Một sản phẩm được “đóng dấu” bền vững mà lại không làm gia tăng chi phí sẽ phù hợp với túi tiền của khách hàng, đồng thời cũng khiến lương tâm của họ bớt áy náy”, chuyên gia phân tích Gregory Elders, thuộc Bloomberg Intelligence, nhận xét.
Trong năm 2015, lần đầu tiên Nike và H&M đã sử dụng lượng cotton bền vững nhiều hơn cả cotton hữu cơ. Better Cotton hiện chiếm tới khoảng 12% lượng sản xuất cotton toàn cầu trong năm 2015, so với chỉ 0,5% của cotton hữu cơ, theo BCI. Lena Staafgard, Giám đốc Điều hành BCI, cho biết: “Đến năm 2020, mục tiêu của chúng tôi là đạt tới 5 triệu người nông dân trên thế giới và chiếm tới 30% sản lượng sản xuất cotton toàn cầu”.
Văn Quốc
Nguồn Bloomberg