Phiên bán đấu giá bát vàng thời vua Khải Định.

 
Lê Phan Thứ Tư | 25/01/2023 13:30

Di sản hồi hương

Mục đích là hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc và khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc...

Việc đàm phán với sàn đấu giá tại Pháp, mua lại ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được xem là động thái quyết liệt của Việt Nam trong việc đưa di sản hồi hương. Tuy nhiên, làm thế nào thu hút nhiều nguồn lực cùng chung tay trong hoạt động này vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đây không phải là lần đầu tiên dư luận quan tâm đến cổ vật Việt Nam đấu giá tại nước ngoài. Theo nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, người chuyên phục chế mũ mão cung đình Huế, chính sự phát triển mạnh mẽ của internet, đặc biệt là mạng xã hội đã giúp giới sưu tầm cổ vật ở Việt Nam nhanh chóng nắm bắt và theo dõi thông tin từ các nhà đấu giá.

Ở góc nhìn ngược lại, ông Lộc nhấn mạnh sự phát triển và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam dẫn đến sự xuất hiện tầng lớp sưu tầm có điều kiện tài chính mạnh mẽ. Chính điều này đã thu hút sự quan tâm của các nhà đấu giá quốc tế đến cổ vật Việt Nam.

Thực tế, trước năm 2018, thi thoảng cổ vật hay tranh Việt mới xuất hiện trên các sàn đấu giá. Tuy nhiên, sự quan tâm và thành hình của giới chơi tranh, chơi cổ vật Việt khiến các nhà đấu giá quốc tế nhận ra tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam. Có cầu ắt có cung. Những nhà đấu giá này nhanh chóng thành lập các line hàng riêng cho thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, Sotheby’s Hong Kong thành lập phân lưu dành riêng cho tranh Việt. Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được mang ra đấu giá hồi tháng 11 vừa qua cũng nằm trong phân lưu “Nghệ thuật/cổ vật Việt Nam” của nhà đấu giá Pháp - Millon.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam có giá tăng ngoài sức tưởng tượng. Chẳng hạn, việc chiếc mũ quan nhất phẩm thời Nguyễn nguyên vẹn được một người mua đấu giá với giá 600.000 euro (16 tỉ đồng) ở Tây Ban Nha gây sửng sốt trong giới cổ ngoạn. Tác phẩm của các danh họa Việt được đấu giá triệu USD trên các sàn quốc tế cũng đang gia tăng với số lượng nhiều nhất từ trước đến nay với các danh họa tên tuổi như Mai Trung Thứ, Phạm Hậu, Lê Quốc Lộc, Lê Phổ...

Mức giá chào bán ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trên website Millon là 2-3 triệu euro (48-72 tỉ đồng). “Quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, chảy máu ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc...”, đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết.

Cổ vật/di sản Việt Nam hồi hương theo 3 con đường. Thứ nhất, qua các nhà sưu tầm tư nhân. Thứ 2, qua con đường ngoại giao. Con đường thứ 3, như trường hợp của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, do Nhà nước Việt Nam trực tiếp đàm phán. Mặc dù việc đàm phán đã thành công, nguồn kinh phí được Quỹ Bảo tồn Di sản Huế huy động, nhưng theo Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, với các cổ vật như ấn vàng, bát vàng thuộc triều Nguyễn (hay trường hợp bức tranh của vua Hàm Nghi vài năm trước), việc “hồi hương” thực tế rất khó khăn, thậm chí bất khả thi.

 

“Giá cả cổ vật qua các phiên đấu giá rất khó lường. Muốn chủ động tham gia đấu giá, kể cả việc thương lượng mua, Nhà nước cần có sẵn một khoản ngân quỹ dành riêng cho việc này”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu lý giải.

Hiện tại, Việt Nam đã thông qua Luật Di sản văn hóa, cũng như thành lập Quỹ Bảo tồn Di sản Huế theo cơ chế mở, có thể huy động nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, Nhà nước cần lập Quỹ Di sản văn hóa chỉ tập trung cho việc mua cổ vật trong và ngoài nước. Nguồn quỹ này bên cạnh ngân sách nhà nước có thể huy động sự đóng góp của các nguồn lực xã hội hóa với mục tiêu mua lại cổ vật, bảo vật và lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại các bảo tàng công lập.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc cho rằng, Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách cho tư nhân và các tổ chức xã hội, bao gồm nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm, tri thức, uy tín cá nhân... Ông nêu ví dụ, tại nước ngoài, một số nhà sưu tầm tư nhân thường kết hợp với bảo tàng công lập trưng bày các cổ vật, di sản họ sở hữu. Hoạt động thương mại hóa không nằm ở việc bán vé mà nằm ở các sản phẩm phái sinh như tranh ảnh, postcard, các món đồ lưu niệm hoặc bản sao của cổ vật. Kinh phí sẽ được trích một phần cho bảo tàng tiếp tục hoạt động, phần còn lại thuộc về nhà sưu tầm.

 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đặc biệt nhấn mạnh, nguồn vốn xã hội đa dạng (tài, trí, lực) khi kết hợp cùng bộ máy quản lý, các chuyên gia trong ngành di sản, văn hóa sẽ giúp việc quản lý di sản hiệu quả hơn. Từ việc xác định nguồn gốc, xuất xứ cổ vật, giám định chất lượng cho đến việc định giá theo thị trường hay “giá sàn” để đưa ra đấu giá trong và ngoài nước, các vấn đề pháp lý liên quan... nhằm nâng cao tính minh bạch và khoa học. Mặt khác, việc huy động này giúp giảm thiểu việc mất mát cổ vật tại các di tích, ngăn ngừa hiện tượng “chảy máu cổ vật” ra nước ngoài.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng cho biết, nhiều tỉnh, thành có “Hội sưu tầm cổ vật” của các nhà sưu tập tư nhân. Những nhà sưu tập này có nhiều hoạt động phối hợp trưng bày hiện vật và biếu tặng hiện vật cho bảo tàng địa phương. Tuy nhiên, việc trao đổi, mua bán cổ vật chưa có một thị trường công khai, hợp pháp như các “sàn đấu giá” ở nước ngoài. Điều này cũng làm hạn chế việc trao đổi, mua bán cổ vật giữa các nhà sưu tập với nhau và với bảo tàng nhà nước.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi từng chia sẻ tại các quốc gia phát triển, giám định trở thành nghề nghiệp, nhà giám định sẽ nhận được một khoản kinh phí cho công việc này, có thể là trước hoặc sau khi tranh được bán. Tại Việt Nam, vì thị trường còn ở giai đoạn sơ khai nên nhiều nhà sưu tầm xem thường, phớt lờ chuyện giá cả với nhà giám định. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường tranh Việt dù sôi động nhưng vẫn chưa đủ lực thành hình. Câu chuyện này cũng tương tự với việc giám định cổ vật/di sản.

Song song đó, Nhà nước cần thiết lập cơ chế cởi mở cho việc mua bán, trao đổi cũng như đấu giá các cổ vật/di sản hợp pháp. Điều này sẽ khuyến khích hình thành thị trường mua bán minh bạch và vững mạnh về lâu dài, khuyến khích các nhà sưu tập tư nhân triển lãm cũng như đưa cổ vật hồi hương, đồng thời để công chúng có thể tiếp cận di sản thay vì chỉ ngắm nhìn qua ảnh hoặc để di sản nằm trong kho sưu tập tư nhân.